Trong làng giải trí đang gần như phải chịu ảnh “bội thực” bởi dòng nhạc thị trường như hiện tại, thì nhạc xưa được cho là “cứu cánh” cho các ca sĩ trẻ, giúp họ tự làm mới mình, cũng như chiếm cảm tình của một lượng khán giả trung niên.
Tuy nhiên, ai cũng biết rằng đây thể loại nhạc “kén người thể hiện”, nên không thể xem là một “trào lưu” cứ muốn là làm cũng được. Để cho ra một album nhạc xưa, các giọng ca đòi hỏi phải có một độ “chín” nhất định, để không những thể hiện tốt ca khúc mà còn phải tạo được chất riêng so với các tên tuổi đã thể hiện thành công trước đó. Vì vậy, sau nhiều năm vững bước trên con đường nhạc trẻ, các ca sĩ nổi tiếng mới “dám” chuyển hướng sang thể loại nhạc xưa, dù đã ấp ủ giấc mơ thể hiện nhạc xưa từ rất lâu.
Mr Đàm đầy chất lãng tử với album Xót xa
Tiên phong trong lĩnh vực hát nhạc xưa theo “kiểu mới” phải kể đến Đàm Vĩnh Hưng. Trong mỗi ca khúc nhạc xưa, ngoài giữ được “cái thần” bài hát, Mr. Đàm còn tạo được chất riêng bởi giọng ca đặc biệt đầy đam mê, nồng nàn và da diết. Chính vì vậy mà đi qua một nửa chặng đường của dự án sản xuất 10 album nhạc xưa Dạ khúc cho tình nhân, Đàm Vĩnh Hưng đã và đang làm say đắm các khán thính giả, dù ở tuổi trẻ hay trung niên. Sự thành công của anh được khẳng định bằng việc các đĩa CD không phải nằm lâu trên kệ bán. Mới đây nhất là album nhạc xưa thứ 5 mang tên Xót xa với các ca khúc vượt thời gian như Xót xa, Biển tình, Ngưu Lang Chức Nữ, Mùa thu trong mưa,… Cùng với việc tổ chức 2 đêm liveshow tại rạp Quốc Thanh, album Xót xa của Mr Đàm khiến người nghe phải “run” lên thổn thức theo từng giai điệu và lời ca nồng nàn, da diết.
Lam Trường "thai nghén" đến 15 để có được album Khi người yêu tôi khóc
Lặng lẽ “nuôi” mơ ước hát nhạc xưa suốt hơn 15 năm qua là thổ lộ của ca sĩ Lam Trường khi anh bất ngờ trình làng album Khi người yêu tôi khóc. Lam Trường là một ca sĩ rất thành công với dòng nhạc trẻ, và cũng là người tiên phong trong việc khơi dậy dòng nhạc trẻ tại Việt Nam, điều đó cho thấy vị trí và ảnh hưởng to lớn của Lam Trường tới làng nhạc Việt đương đại. Song phải đến khi đã ở đỉnh cao của sự nghiệp ca hát, Lam Trường mới mạnh dạn thử sức mình ở thể loại nhạc xưa. Album quy tụ những tình khúc bất hủ của nhiều nhạc sĩ tên tuổi như Ngậm ngùi, Con đường ta đi, Hương xưa... Mặc dù tất cả các sáng tác trong album đều đã được nhiều giọng ca thể hiện thành công trước đó song Lam Trường vẫn tin tưởng anh sẽ chinh phục người nghe bằng phong cách riêng của mình. Album do nhạc sĩ Tấn Phong hòa âm phối khí với việc khéo léo đưa vào nhạc xưa những tiết tấu mang hơi thở đương đại.
Lệ Quyên thành công với Khúc tình xưa
Nhưng thành công nhất trong việc thể hiện ca khúc nhạc xưa phải kể đến ca sĩ Lệ Quyên. Ý tưởng thực hiện album nhạc xưa đã được Lệ Quyên ấp ủ từ rất lâu. Bộ hình ảnh chụp sử dụng trong album Lệ Quyên và ekip đã chụp cách đây 2 năm tại Hội An và quyết định “ém” đến tận khi hoàn thành album Khúc tình xưa mới công bố. Những ca khúc xưa cũ được Lệ Quyên thổi "hồn" trong từng câu hát, nắn nót trong từng nốt trầm và buông lơi khi có quãng ngân dài đầy mùi mẫn. Album Khúc tình xưa gồm 12 ca khúc do chính ca sĩ Lệ Quyên biên tập và thực hiện vừa chính thức phát hành ra thị trường sẽ là một dấu ấn đáng kể đối với những khán giả mê giọng hát rất dày và mạnh liệt của cô nàng ca sĩ có xuất xứ Hà Thành này. Khúc tình xưa mang đến cho người nghe một không gian âm nhạc thú vị, mới lạ nhưng vẫn mượt mà uyển chuyển. Nghe trọn album sẽ thấy được Lệ Quyên biến những ca khúc đã thành bất hủ của nhiều người hát thành một thứ âm nhạc xưa theo phong cách của Lệ Quyên.
Tuấn Hưng la một cái tên hot trong thị trường âm nhạc Việt Nam và được vào trong top Làn Sóng Xanh trong nhiều năm qua. Khán giả quen thuộc với nhiều bài hit gắn liền với tên tuổi anh như Vũ điệu thần tiên, Tình yêu lung linh, Dĩ vãng cuộc tình, Cầu vồng khuyết... nhưng mãi đến album vol.7, Tuấn Hưng mới phát hành album nhạc xưa với cái tên giản dị Nhạc… xưa.
Tuấn Hưng đã đủ chín chắn và trải nghiệm để hát đúng chất các tác phẩm nhạc xưa
Album Nhạc... xưa được thực hiện tại Mỹ, gồm 10 ca khúc đã rất quen thuộc với khán giả như Cỏ úa, Niệm khúc cuối, Dĩ vãng, với những nét mới trong phần hòa âm cùng giọng hát chững chạc của Tuấn Hưng. Với Nhạc… xưa, dường như Tuấn Hưng muốn thể hiện sự đa dạng các dòng nhạc mà anh có thể thể hiện, thay vì cái danh “ca sĩ hát nhạc thị trường” mà khán thính giả mặc định cho anh. Tuấn Hưng cho rằng vào thời điểm này anh đã đủ chin chắn và trải nghiệm để có thể hát đúng chất các tác phẩm xưa đó. Anh nói thêm: "Trước đây tôi cũng từng hát nhạc của những tác giả này rồi, nhưng để làm CD thì phải rất cẩn thận và đầu tư kỹ lưỡng".
Các ca sĩ trẻ chuyển hướng đến với dòng âm nhạc này còn vì muốn thể hiện sự đa dạng trong giọng ca của mình. Lên đến đỉnh cao của sự nghiệp cũng là lúc sắp có nguy cơ chìm vào quên lãng. Vì vậy, đến với nhạc xưa cũng có thể coi là sự “làm mới” của họ. Để khán giả vốn đã quen với một Lam Trường, Tuấn Hưng, Lệ Quyên hay Đàm Vĩnh Hưng tỏa sáng trong dòng nhạc trẻ, nay phải bất ngờ và say đắm họ trong dòng nhạc xưa đậm chất trữ tình.
Hát nhạc xưa đang dần trở thành một xu hướng mới mà nhiều ca sĩ trẻ theo đuổi. Chắc hẳn, sắp tới đây nhiều ca sĩ cho ra mắt album nhạc xưa mang phong cách của mình. Những ca khúc vang bóng một thời sẽ được làm mới qua nhiều giọng ca khác nhau. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho gu “nhạc sang” của người thưởng thức. Thể loại âm nhạc “kén người” này cần có sự đầu tư tỉ mỉ, chất lượng và nghiêm túc cả về chất giọng, giai điệu, hòa âm, phối khí,… mới mong được khán giả đón nhận.
Bưu điện Việt Nam