Năm 2009 được coi là thời điểm “hoàng kim” đối với âm nhạc Hàn Quốc, khi làn sóng K-Pop tung cánh ra khắp năm châu, đặc biệt đã có một dấu ấn đáng kể tại Mĩ - thị trường âm nhạc hàng đầu thế giới. Phải kể đến Wonder Girls, nhóm nhạc nữ đã tham gia mở màn cho concert của các chàng trai Jonas Brother, mang âm nhạc cũng như văn hoá xứ Hàn giới thiệu cho bạn bè thế giới. Cũng trong năm đó, Girls’Generation tung ra single “Gee” gây chấn động với một sức ảnh hưởng không nhỏ mà có lẽ ngay đến SM cũng chưa từng ngờ tới. Ca khúc đã trở thành một hiện tượng trực tuyến với lượt xem gần 80 triệu trên Youtube tính đến thời điểm này.
Những mong đợi lớn lao
Rõ ràng đó là một năm “bội thu” đối với ngành giải trí Hàn Quốc và cũng là khoảnh khắc K-Pop trở thành một nền văn hoá đại chúng. Thành công ban đầu luôn dẫn đến những ước muốn lớn lao. Làn sóng K-Pop đã lan rộng trên khắp nước Mĩ và mở ra một kỉ nguyên mới đối với âm nhạc quốc tế. Cánh cửa này đáng lẽ sẽ mở ra để nhiều nhóm nhạc khác có cơ hội trải nghiệm vùng đất mới, cũng như chiếm lĩnh thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới. Nhưng đáng tiếc điều đó… đã không xảy ra.
Đã ba năm trôi qua kể từ mùa hè lịch sử ấy và vẫn chưa hề có một nghệ sĩ K-Pop nào tồn tại lâu dài tại Mĩ. Có chăng cũng chỉ là sự xuất hiện của Wonder Girls trong phim Teen Nick hay sự hiện diện của Girls’ Generation trên truyền hình. Sự im hơi lặng tiếng ấy khiến người ta đặt ra câu hỏi : Liệu K-Pop có thể trở thành một thể loại âm nhạc độc lập như hiphop và rap, hay sẽ theo chân nhạc Latin rồi dần nhạt phai?
Sự bùng nổ của nhạc Latin
Quay trở lại năm 1999, nam ca sĩ Ricky Martin đã tung ra single “Livin’ La Vida Loca”, ca khúc này đã trở thành một hiện tượng. Những năm cuối thập niên 90 của thế kỉ trước, âm nhạc cũng như văn hoá Latin đã có một bước ngoặt lớn tại Mĩ. Nhưng giờ đây, nhạc Latin đang dần đánh mất chỗ đứng của nó. Có thể thấy rằng, các nghệ sĩ vẫn tiếp tục hoạt động và trở thành những cái tên hay được nhắc tới, nhưng sẽ chẳng còn nhiều người trong số họ quảng bá với danh xưng ngôi sao nhạc Latin nữa. Âm thanh của dòng nhạc này, tuy vẫn mang sự tinh tế vốn có, nhưng cũng đã mất dần những nét đặc sắc riêng ngày nào.
Xét cho cùng, vẫn là quá sớm để so sánh nhạc Latin với K-Pop. Trước hết, K-Pop vẫn chưa có được sự bùng nổ và vẫn đang tìm kiếm vị thế cho mình. Mặc dù đã có một sức ảnh hưởng nhất định qua Internet, tuy nhiên nó vẫn chưa chạm tới được những người nghe nhạc chính thống. Ưu điểm của các nhạc Latin đó là sự thân thuộc. Hầu hết người Mĩ lớn lên cùng người Hispanic và Latin có ảnh hưởng lớn tới họ từ ngôn ngữ đến các món ăn.
Những khó khăn và trở ngại
Khi nhạc Latin có một chỗ đứng riêng cho mình, số lượng người Hispanic đã chiếm 12.5 % dân số Mĩ, theo một báo cáo năm 2000. So sánh với điều tra năm 2010, con số này chỉ chiếm 5.6% đối với người châu Á. Vì thế, khi văn hoá Hàn Quốc và Châu Á đang phát triển mạnh ở đất nước này, thì nó vẫn quá nhỏ so với những ảnh hưởng mà người Hispanic đã tạo ra. Đó chính là lí do các nghệ sĩ Hàn Quốc gặp khó khăn để thích ứng với văn hoá Mĩ.
Nhiều người cho rằng trở ngại lớn nhất đó là rào cản về mặt ngôn ngữ. Ricky Martin, J.Lo, Enrique đều nói tiếng Anh trôi chảy và không có bất cứ một khó khăn nào khi tiếp cận khán giả Mĩ. Đối với các nghệ sĩ Hàn Quốc, rất ít người trong số họ có khả năng nói tiếng anh đủ tốt. Thực tế, khá nhiều nghệ sĩ Hàn có khả năng sử dụng tiếng Anh và giao tiếp trôi chảy như Jessica, Tiffany ( Girls’ Generation ) hay Taecyeon, Nichkhun (2PM), Bom và CL (2NE1) nhưng đó chỉ là cá nhân họ, tập thể lại hoàn toàn khác. Sẽ thật tồi tệ khi chỉ thấy một thành viên trong nhóm trả lời trong một chương trình phỏng vấn, trong khi các thành viên khác chỉ mỉm cười và gật đầu. Đồng thời, không phải nhóm nhạc nào cũng có lợi thế về thành viên thông thạo tiếng Anh. Nhưng ngôn ngữ thì có thể học được, dù nó đòi hỏi một khoảng thời gian dài thực hành thường xuyên để cho hiệu quả tối đa.
Khó khăn thực sự đối với các nghệ sĩ Hàn Quốc đó là khoảng thời gian ở Mỹ. Khi Wonder Girls đến đó, họ đã “biến mất” hoàn toàn tại Hàn trong 2 năm để tập trung cho sự nghiệp tại đất nước này. Đó là chiến lược hoàn toàn đúng đắn, bởi lượng khán giả Mĩ quá lớn, họ sâu xa và dễ thay đổi, nên nếu muốn thành công, các nghệ sĩ phải dành ra 100% thời gian cho thử thách của mình. Họ phải kiên quyết với nền tảng “chậm mà chắc”, vì sự rút ngắn quá trình có thể sẽ khiến họ thất bại.
Vấn đề là, chưa chắc các công ty Hàn Quốc đã sẵn sàng cho điều này bởi tập trung hoàn toàn thời gian tại Mĩ có nghĩa là họ sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội tiềm năng tại Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc cũng như đối mặt với nguy cơ mất mát doanh thu. JYP đã tuyên bố nhiều lần rằng việc đưa Wonder Girls tấn công thị trường Mĩ đã là một sự đầu tư lớn vô cùng tốn kém. Không phải công ty giải trí nào cũng có nguồn lực dồi dào như SM, JYP hay YG Entertainment - những người chịu đầu tư sớm để gặt hái những thành quả về sau.
Hi vọng mới
Với Wonder Girls, thành công đã không đến ngay và các cô gái đã phải quay trở về Hàn Quốc, nhưng họ đang dần trở lại với single tiếng Anh mới nhất “Like Money” hợp tác với Akon. Vậy liệu họ có thể sẵn sàng hi sinh thành công trước mắt tại những nơi khác để có được thành quả như mong muốn tại thị trường âm nhạc rộng lớn của Mĩ?
Trong khi SM hợp tác với Interscope Records để tung ra dự án tiếp theo của Girls’ Generation tại Mĩ, thì các nghệ sĩ của JYP lại kí hợp đồng với công ty phát triển tài năng hàng đầu Hoa Kì CAA, còn YG vẫn bận rộn với kế hoạch làm việc cùng thủ lĩnh Black Eyed Peas Will.I.Am sản xuất ca khúc tiếng Anh ra mắt cho 2NE1, để chứng tỏ cho các công ty cũng như các nghệ sĩ Mĩ thấy được giá trị và tiềm năng của những ngôi sao K-Pop. Hẳn các ông trùm ngành giải trí sẽ chẳng bao giờ chịu đầu tư nếu không thấy được “đầu ra” trong tương lai.
Vẫn còn quá sớm để nói bất cứ điều gì. Tuy nhiên, có thể chắc chắn rằng, với sự giúp đỡ của các công ty giải trí tại Mỹ, cùng lời cam kết của các nghệ sĩ Hàn Quốc, việc mở rộng cũng như trụ vững làn sóng K-Pop tại đây là điều hoàn toàn có thể.
2Sao