Trong thời gian gần đây, hàng loạt cuộc thi ca nhạc được tổ chức thu hút đông đảo thí sinh tham gia. Từ đó, có thể dễ dàng nhận ra sự dễ dãi trong việc lựa chọn thí sinh. Điều đáng nói, nhiều người đoạt giải cao trong các cuộc thi âm nhạc thu hút trên truyền hình lại...mù tịt về âm nhạc nói chung và thanh nhạc nói riêng.
Ngay cả hiện tượng âm nhạc Việt – quán quân Vietnam Idol 2010 Uyên Linh cũng chưa hề biết một nốt nhạc nào trước khi đoạt giải. Nghệ sỹ nhân dân Trung Kiên nhận xét: “Uyên Linh bây giờ đang nhạt dần bởi vì cô ấy không có cơ bản. Tôi có khuyên Uyên Linh đi học ở Nhạc viện vì Idol mà không biết xướng âm, không biết nốt nhạc thì thật đáng buồn”.
Và, Uyên Linh không phải là trường hợp duy nhất chưa từng học kiến thức về âm nhạc khi giành được giải nhất một cuộc thi ca nhạc được tổ chức trong cả nước.
Nghệ sỹ nhân dân Trung Kiên bày tỏ quan điển: "Vấn đề không phải là các chương trình, các cuộc thi đó dở. Mà vấn đề là từ cuộc thi đó, người ta xác định những người đoạt giải là chuyên nghiệp là sai lầm. Những nhà tổ chức phải làm cách nào đó để khuyến khích những người đoạt giải đi học để nâng cao trình độ.”
Thực tế, nhiều gương mặt đã trở nên quen thuộc ở các cuộc thi ca nhạc. Thậm chí, có người còn mỉa mai rằng, nhiều người dự thi nhiều đến mức, giám khảo nhớ cả cách cầm micro, cách nhấn nhá trong bài hát như thế nào. Phải chăng họ quá ham học hỏi hay họ muốn tìm cho mình một cơ hội đổi đời nhờ việc chiến thắng trong một cuộc thi ca nhạc?
Nền âm nhạc chỉ chuyên nghiệp khi có những người làm nghề thực sự chuyên nghiệp. Muốn cho những người làm nghề chuyên nghiệp thì ngoài tài năng cần có nền tảng kiến thức âm nhạc để tạo nên những tài năng thực sự.
Giáo dục Việt Nam