Sao Hàn ngồi xe Bus, V-Pop lái siêu xe
Mọi người đều biết thị trường K-Pop phát triển hơn ta rất nhiều, họ đi trước V-Pop gần như về mọi mặt, từ chất lượng ca sĩ, kỹ thuật phòng thu, khả năng vũ đạo… Tất thảy mọi thứ chúng ta đều lót tót chạy theo sau, thế nhưng đó là chuyện trong phòng thu, hay trên sân khấu, còn một khi đã ra đường thì quả thật còn chưa biết ai hơn ai.
Còn nhớ cách đây vài năm, khi các thành viên của nhóm DBSK đệ đơn kiện công ty và sau đó tách nhóm, một sự thật đã được hé lộ về việc để có tiền mua xế hộp, các thành viên đã qua mặt đơn vị quản lý ký hợp đồng “ăn riêng” với một thương hiệu mỹ phẩm. Thế mới biết, chuyện sắm 4 bánh tại xứ củ sâm không hề đơn giản với khoản catse eo hẹp, và rõ ràng đa số các ngôi sao thường chỉ di chuyển bằng dạng xe bus hay xe du lịch, kể cả ca sĩ solo như Bi Rain, BoA, Hyori, Se7en. Và lẽ hiển nhiên ai cũng thấy sao Hàn sở hữu xế xịn chẳng bằng một góc V-Pop, khi các tên tuổi mang tầm Châu Á như Big Bang, 2NE1, 2PM, hầu hết thành viên đều chạy 4 bánh dòng bình dân, thậm chí đa số còn phải mượn từ công ty quản lý.
Một yếu tố khác khiến K-Pop chuộng xe bus hay du lịch vì những tiện ích chúng mang lại cho nhu cầu biểu diễn chuyên nghiệp của họ. Sao Hàn đi đâu cũng phải có cả ekip hỗ trợ, chứ khó lòng tự lực cánh sinh giỏi như V-Pop, và có lẽ họ cũng không có nhu cầu ganh đua nhau bằng những vật phẩm tiền tỷ phía sau cánh gà.
Tha hồ vừa đi hát vừa làm thầy
Cho đến nay, cả làng nhạc K-Pop chỉ biết đến duy nhất một trường hợp có thể vừa đi hát, vừa mở công ty làm thầy (đào tạo nhóm MBLAQ) là Bi-Rain. Mặc dù có rất nhiều tên tuổi lớn có cả thanh lẫn sắc, giỏi chuyên môn cùng kinh nghiệm lâu năm chinh chiến thế nhưng hầu hết họ đều không mảy may suy nghĩ đến việc tự lực mở lò đào tạo, điều mà mọi ca sĩ V-Pop luôn muốn phấn đấu khi vừa có chút thanh danh.
Hơn ai hết, các nghệ sĩ K-Pop hiểu rằng dù nổi tiếng đến đâu thì tự thân họ cũng không thể nào am tường công việc luyện gà bằng các công ty quản lý lâu năm. Thêm vào đó, để tăng tính cạnh tranh trong một môi trường khắc nghiệt, sao K-Pop chỉ có thể tập trung phát triển bản thân, hơn là ôm đồm lo lắng nhiều thứ. Tuy nhiên đối với V-Pop thì nghệ sĩ có thể đa năng hơn, gần như ai cũng sở hữu cho mình một công ty riêng, để tự lo liệu khâu sản xuất, phát hành, mướn giảng viên về mở trường lớp, thu học phí thực tập sinh… Từ các hoạt động này mà V-Pop cũng có thêm đồng ra đồng vào hơn so với K-Pop.
Với lợi thế vừa đi hát vừa làm thầy, ca sĩ có thể nhận lời bầu show kèm thêm yêu cầu sự xuất hiện cho gà nhà, hoặc lắm lúc chính thành công của đàn em lại là bàn đạp để cô thầy thơm lây, tăng tuổi thọ hành nghề mà catse cũng đở rớt giá vì hết thời. Rõ ràng đây là một lợi thế được V-Pop tận dụng rất triệt để.
Lúc nào cũng đầy ấp hoa hồng và gấu bông
Lần cuối cùng khán giả thấy SNSD hay Super Junior được fan tặng hàng núi bông hoa, quà cáp, thậm chí là tiền mặt trên sân khấu là khi nào? Dĩ nhiên là chưa từng có, vì đây được xem là điều cấm kỵ đối với những nước có quy trình biểu diễn chuyên nghiệp. Hành động tự ý tiếp cận ca sĩ khi họ đang biểu diễn còn được xem là đặc biệt nguy hiểm, khiến fan cuồng có nguy cơ đối mặt với pháp luật. Nếu muốn thể hiện sự ủng hộ, hãy làm điều đó bên dưới khán đài, vì các nghệ sĩ cần có sự tập trung để thể hiện trọn vẹn tiết mục.
Trái ngược với nước bạn, nếu đi xem ca nhạc ở Việt Nam sẽ thấy ngập tràn hoa lan, hoa hồng, gấu bông đủ kiểu tại nhiều tụ điểm biểu diễn “chuyên nghiệp”. Ca sĩ phải vừa hát vừa phải lúi húi nhận quà, có khi còn được khán giả dúi tiền, và cả sờ soạng trên sân khấu. Thậm chí có nhiều fanclub còn bày trò tặng gấu bông cho thần tượng, sau đó sẽ được nhận lại để dành tái sử dụng lần sau. Chính điều này đã tạo nên sự tương phản, khi fan K-Pop thường rất cuồng nhiệt hưởng ứng thần tượng nhưng lại không hề bày vẽ trên sân khấu, trong khi đại đa số khán giả Việt luôn tử tế ngồi nghe mà quà cáp thì lúc nào cũng ê hề.
Một số fanclub tại Việt Nam còn cạnh tranh nhau quyết liệt với căn bệnh thành tích, có nơi tự quy định với nhau là luôn phải tặng cho Idol những bó hoa hoành tráng nhất, và nếu chương trình có sự xuất hiện của đối thủ thì lượng “hàng khủng” được chuẩn bị để làm muối mặt đối phương còn được đầu tư nhiều hơn gấp bội. Rõ ràng cách chiến đấu của fan nội rất khác so với fan ngoại ở mảng sân khấu.
Fan Việt Nam yêu hòa bình
“Tẩy chay” một khái niệm mà mọi thần tượng xứ Hàn đều phải khiếp sợ trước khán giả của họ. Lấy ví dụ như SNSD từng bị toàn bộ hàng chục ngàn fan của nghệ sĩ khác nhất tề tắt đèn hiệu, đồng loạt phản đối yêu cầu nhóm phải rời khỏi sân khấu, hay 2PM từng biểu diễn trong tình trạng vừa nhảy vừa né “vũ khí” do antifan ném lên sân khấu. Với K-Pop, fan thể hiện sự yêu ghét rõ ràng, họ sẵn sàng dành cả ngày chực chờ “các anh, các chị” nếu cảm thấy xứng đáng, nhưng nếu Idol làm họ thất vọng thì chẳng có gì là không thể tiến hành cả. Đó chính là nguyên nhân Park Jaebeom từng bị công chúng tẩy chay vì vài dòng bình luận thiếu suy nghĩ.
Quan cảnh khán đài trước và sau khi SNSD biểu diễn tại Dream Concert 2008
Đấy là chuyện xứ người, còn ở xứ ta, quá lắm cũng chỉ là ném đá bằng bình luận trên mạng, mà điều này thì gần như chẳng thấm tháp gì so với “bản lĩnh” của ca sĩ. Chưa có ngôi sao nào ở V-Pop từng gục ngã vì điều tiếng, họ luôn mạnh mẽ đạp lên tất thảy mọi thử thách, vì một lẽ đơn giản: fan nội địa quá hiền để có thể cho ca sĩ biết thế nào mới gọi là tẩy chay. Họ vẫn có thể ung dung đi hát, khán giả thì đã mặc định với thói quen vỗ tay đều đều, thế là ngôi sao chỉ cần bố trí vài fan tặng hoa, tặng quà tạo vẻ: “mọi người vẫn còn yêu thương ta lắm” thế là xong, chẳng có scandal nào “đủ sức quật ngã tôi cả”.
V-Pop “thọ tỷ nam sơn”
Liệu có ai dám nghĩ rằng những tên tuổi như Se7en, G-Dragon, T.O.P, Nichkhun, Yoona… sẽ vẫn là những ngôi sao trẻ khi họ đã gần sát mốc U50? Các ngôi sao Hàn khi được phỏng vấn, đều thoải mái trả lời rằng họ nghĩ sự nghiệp sẽ phải dừng lại khi đã chạm ngõ 30, Jessica và Tiffany (SNSD) muốn giải nghệ và kết hôn năm 27 tuổi, vài ngôi sao khác thì lên kế hoạch chuyển hẳn sang điện ảnh hay kinh doanh thứ gì đó. Nói chung thì chẳng ai mơ mộng chuyện mình vẫn còn đều đều đi hát như hiện tại thêm mười mấy năm nữa, vì ca sĩ trẻ ở Hàn không thiếu, nếu không muốn nói là quá nhiều.
Nguyên Vũ-“Ca sĩ trẻ” mãi không chịu già dù đã 37 tuổi đi hát hơn 15 năm ròng
Trong khi đó tại Việt Nam, có thể dễ dàng nhận thấy mức độ “trẻ lâu” của ca sĩ thật sự đáng nể. Điển hình như Nguyên Vũ đã 37 tuổi, đi hát hơn 15 năm mà vẫn ung dung làm “ca sĩ trẻ”, nhiều người tự hỏi không biết anh này sẽ còn “trẻ mãi” đến bao giờ. Và những trường hợp thậm chí là "nhừ" hơn cả Nguyên Vũ cũng không phải là hiếm, chỉ có điều họ chưa đủ can đảm khai tuổi thật như nam ca sĩ Nơi tận chân mây.
Điều này cho thấy rõ, tuy thế hệ đàn em sản sinh ra trong V-Pop nhiều không sao đếm xuể, thế nhưng sự tồn tại bát nháo của họ không đủ sức thay thế những tên tuổi lâu năm, và thế là con người ta cứ phải cưa sừng làm nghé trẻ mãi không già, vì suy cho cùng những vị trí lão làng như Nguyên Vũ cũng chẳng biết phải bỏ phí chỗ trống đó cho ai. Đúng là ở Việt Nam, lắm khi muốn giải nghệ cũng chẳng phải chuyện dễ dàng như sao Hàn, một khi cái non yếu của thị trường cứ thúc đẩy mình phải làm “ca sĩ trẻ” mãi.
2Sao