Show truyền hình 'già cỗi'
Dù chỉ bước sang mùa thứ 5, nhưng so về độ “lão làng”, Vietnam Idol chỉ xếp sau Sao Mai Điểm Hẹn. Lên sóng truyền hình vào năm 2007, Vietnam Idol là cuộc thi đầu tiên được mua bản quyền từ nước ngoài về, thu hút sự chú ý tuyệt đối của khán giả trong nước. Thế nhưng, cho đến nay, khi mùa thứ 5 đang dần đi về hồi kết, Vietnam Idol dường như đã không còn là một cái tên đủ sức lôi kéo sự quan tâm của mọi người.
Vietnam Idol lần đầu tiên ra mắt khán giả truyền hình
Nguyên nhân không do chương trình, vì bản thân cuộc thi này vẫn thế. Format có thể thay đổi linh động cho phù hợp với tùy quốc gia nhưng vẫn ràng buộc bởi luật bản quyền, do vậy, Vietnam Idol không thể thay đổi cho mới lạ hơn được.
Sau Vietnam Idol, hàng loạt các cuộc thi âm nhạc khác liên tục được nhập về. Từ những chương trình tạp kĩ như Vietnam’s Got Talents cho đến những sân chơi âm nhạc nổi tiếng như Giọng hát Việt (The Voice), The winner is … và gần đây nhất là Nhân tố bí ẩn (The X-factor). Những chương trình này mang đến sự mới mẻ, mỗi nhà sản xuất cũng có những chiêu bài của riêng họ nhằm lôi kéo khán giả nhiều nhất có thể. Vietnam Idol như bị bão hòa giữa dàn 'đàn em' mới lạ, hấp dẫn hơn. Khán giả là người xem, là khách hàng, là “thượng đế” của các nhà đài nên có quyền chọn xem những gì thu hút họ, khiến họ yêu thích. Do vậy, Vietnam Idol rõ ràng đã thua thiệt về tính mới để hấp dẫn người xem.
Thiếu những câu chuyện nổi bật
Khi đồng thời các chương trình mới được nhập về Việt Nam, khán giả sẽ liên tục so sánh các chương trình với nhau. Ví dụ như: cũng đồng thời trải qua 2 vòng casting nhỏ trước khi lên sóng, nhưng chất lượng giữa vòng thử giọng của Vietnam Idol và vòng Giấu mặt của Giọng hát Việt là hoàn toàn đối lập. Trong khi vòng giấu mặt của Giọng hát Việt đem đến những tiết mục hay đạt rating cao nhất trong suốt mùa thi thì vòng thử giọng của Vietnam Idol đan yếu tố ấn tượng và yếu tố gây cười với đầy đủ các chiêu trò: quỳ lạy ban giám khảo, tự tin về nhan sắc, giả mù đi thi, giọng ca thảm họa … Người xem ngay từ đầu sẽ mặc định mình đang xem một show truyền hình thực tế đa màu hơn là một cuộc thi có tầm ngay từ khi lên sóng.
Những chiêu trò lộ liễu khiến khán giả chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
Chiêu trò, scandal là một con dao hai lưỡi mà bất cứ một cuộc thi nào ở một quốc gia nào cũng có. Việc nêm nếm chiêu trò vào chương trình đều đã được tính toán cẩn thận bởi phía sản xuất. Nếu lạm dụng, chúng sẽ phản lại hạ thấp uy tín cuộc thi. Nhưng nếu sử dụng hợp lý, chúng sẽ làm cho cuộc thi thêm thú vị, sinh động và thu hút người xem hơn nhiều. Nếu câu chuyện đời tư của Hương Giang Idol được dựng thành một câu chuyện xúc động của Vietnam Idol 2012 khiến khán giả thực sự chú ý và nâng tầm tên tuổi của cô gái sinh năm 1991 này thì năm nay, chưa có một câu chuyện nào bật lên được thành một điểm sáng nhắm vào thí sinh và đưa sức ảnh hưởng, sự quan tâm dành cho chương trình ở mức thực sự đặc biệt.
Chỉ bằng một câu chuyện Anh Thúy, không đi đâu người ta không nghe nhắc đến.
Dàn thí sinh “cũ kĩ”
Không còn ồn ào như các năm thi trước, chỉ sau vài tập đầu tiên Vietnam Idol 2013 đã tuyển chọn xong top 12 cho chương trình. Khi các thí sinh chủ chốt của chương trình lộ diện, khán giả không biết nên vui hay nên buồn khi nhìn thấy không ít những gương mặt quen cũ Trước hết phải nhắc tới Nguyễn Khánh Phương Linh, thí sinh của đội Thu Minh trong Giọng hát Việt 2012 đã được nhận ra ngay khi có mặt trong buổi thử giọng.
Phương Linh – top 5 đội Thu Minh trong Giọng hát Việt mùa giải đầu
Không chỉ có Phương Linh, thí sinh Nguyễn Đông Hùng cũng mới trải qua Sao mai điểm hẹn 2012. Thậm chí Đông Hùng còn đoạt giải Triển vọng tại cuộc thi âm nhạc có tuổi đời cao nhất này.
Đông Hùng “ghé bến” Vietnam Idol 2013 vì “lỡ nhịp” sản phẩm
Lệ Ngọc cũng là một trường hợp như vậy. Cô từng đoạt giải vàng cuộc thi Tiếng hát sinh viên miền Bắc 2007. Nhưng sau đó, cô đã tham gia Vietnam Idol ba mùa liên tiếp nhưng chưa lần nào có cơ hội lọt vào vòng liveshow. Gần đây nhất, cô cũng đã lọt vào tận đên bán kết của chương trình The winner is … Cuối cùng, cô quyết định “trở về” với Vietnam Idol 2013.
Lệ Ngọc “nhẵn mặt” với Vietnam Idol nhưng vẫn … trắng tay
Nhiều thí sinh khác cũng đã quen mặt với khán giả như Jason Việt Tiến (Top 25 của The X-Factor Anh Quốc), Ngân Hà (thành viên nhóm Biến tấu đình đám năm 2007, 2008), Quang Huy (Giải nhất Tiếng hát truyền hình thành phố Hồ Chí Minh năm 2012).
Dường như với các thí sinh, việc lăn lộn hết cuộc thi này đến cuộc thi khác là điều tất yếu. Thất bại sau những cuộc thi, họ tìm đến Vietnam Idol như tấm vé cuối cùng cho cơ hội vụt sáng thành sao. Chính vì thế, người ta thấy Vietnam Idol trở thành một “bãi đáp” cho những cá tính âm nhạc không còn gì mới mẻ.
Những gì mà khán giả luôn tò mò, mong tìm ở một cuộc thi truyền hình là khả năng của thí sinh. Tuy nhiên, việc Vietnam Idol tập hợp quá nhiều những thí sinh quen mặt khiến khán giả bớt tò mò, hồi hộp theo dõi. Bởi khi khả năng của họ đều đã tỏ, họ sẽ rất khó tạo nên sự đột phá, thậm chí loay hoay tìm cách làm mới mình qua mỗi vòng thi đã là khó khăn rồi.
Không riêng gì Vietnam Idol, nhiều cuộc thi âm nhạc cũng dần đang vướng phải tình trạng này. Bởi như lời diva Hồng Nhung từng nói, trong một môi trường nhỏ bé nhưng khai thác liên tục, thì rất khó tìm ra tài năng để phục vụ khán giả.
Theo 2Sao.vn