Những quan điểm của đạo diễn Anh Khanh về nhạc Trịnh được đưa ra đã tạo nên một làn sóng trong cộng đồng mạng. Phần lớn phản đối kịch liệt ý kiến của Anh Khanh, tuy nhiên cũng không ít người đưa ra những lý lẽ, lập luận cho rằng nhạc Trịnh “không có gì to tát đáng để tôn vinh”.
Nhạc Trịnh từ lâu đã trở thành dòng nhạc được rất nhiều người yêu thích. Từ già đến trẻ, từ học sinh đến sinh viên, từ nông dân đến trí thức…đều tìm thấy cho mình những góc riêng trong thế giới âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Hơn 600 nhạc phẩm của Trịnh đều mang hơi hướng triết, mỗi bài hát của ông đều là những thể nghiệm về cuộc đời, về tình yêu, về thân phận con người. Đối với không ít người, nhạc Trịnh là món ăn tinh thần không thể thiếu. Suốt nhiều năm qua, chúng ta quá quen với những ý kiến, những nhận xét, bình phẩm “tôn vinh” nhạc Trịnh. Vì vậy, bất cứ ý kiến nhận xét nào đi ngược cái “tượng đài” đó đều bị vùi dập không thương tiếc, đạo diễn Anh Khanh là một trong những người như thế.
Tuy nhiên, từ những lời nhận xét của riêng cá nhân Anh Khanh chúng ta cũng nên đi sâu hơn để tìm hiểu nhạc Trịnh có thật sự “hoàn mỹ”? Chỉ nói riêng về âm nhạc, để thấy được rõ nét hơn những thiếu sót, những góc khuyết. trong những nhạc phẩm của Trịnh.
Trong diễn đàn trường THPT Ngô Văn Cẩn, một bạn có nickname là Lovelove đã có một bài phân tích khá công phu về những đủ - thiếu của nhạc Trịnh. Đánh giá những ca từ Trịnh có sức hút, tuy nhiên theo bạn nhạc Trịnh chỉ ấn tượng ở ca từ còn phần nhạc khá bình thường “giai điệu, cũng chẳng có gì đặc biệt lắm, cũng là tiết tấu chầm chậm, dễ dãi, những ngắt câu ngắt nhịp, lặp đi lặp lại. Ở một đôi bài, nhạc không bắt kịp lời. Gặp phải những bài như thế tôi vẫn cứ tiếc, và đôi lúc nghĩ rằng ông ghép nhạc vào lời hơn là ghép lời vào nhạc. Những nắng thủy tinh, như cánh vạc bay, ru ta ngậm ngùi, yêu dấu tan theo, nguyệt ca, đêm thấy ta là thác đổ...là những bài thơ hơn là những bài nhạc”.
Cũng đánh giá về nhạc và ca từ nhạc Trịnh, thành viên Avada Kedavra của forum lichsuvn cho rằng: “Trịnh Công Sơn có một khả năng ru ngủ rất tốt. Với sức viết trên 500 ca khúc (trong đó có trên 300 ca khúc chuyên nói về "sầu, lụy”… nhằm truyền dạy học thuyết sống làm chi chết quách cho xong"…"Đứng giữa thiên nhiên, thân ta nằng nặng thân chim nhẹ nhàng. Muốn nói đôi câu, giữa chốn thương đau, chim xanh bạc đầu, cây xanh bạc đầu. Vội vàng tôi theo”… hoặc "Anh Sơn luôn muốn kết liễu cuộc đời càng sớm càng tốt. Chính vì vậy, Trịnh luôn buồn bã và nhìn đời bằng con mắt sầu bi"… "Nghe trăm tiếng ngậm ngùi, nghe lăng miếu trùng vây, nghe xa cách cuộc đời, nghe hoang phế cạnh đây… Đêm nghe gió than hoài, đêm nghe lá đưa lời hàm oan, đêm thân xác mịt mùng, đêm nghe tiếng muôn trùng đẩy đưa…” (Nghe tiếng muôn trùng). Hay như trong bài Phôi pha, ông viết: "…Chén rượu cay một đời tôi uống hoài… Thôi về đi, đường trần đâu có gì? Tóc xanh mấy mùa…”.
Và thành viên này cũng thẳng thắn đánh giá vị trí của Trịnh trong nền âm nhạc thế giới: “Tôi chẳng thấy nước nào trên thế giới mà tôn vinh âm nhạc của ông cả! Nếu không tin cứ thử vào google sợt tên Trịnh Công Sơn mà xem, chẳng có trang nước ngoài nào nói về Trịnh, chỉ một album Da Vàng bán khá chạy ở Nhật trước năm 75 (đây là một ghi nhận). Nhưng theo tôi, Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ tài năng thì đúng hơn (chỉ của riêng Việt Nam mà thôi)…".
Bạn Nguyễn Ngọc Lê thì lại cảm thấy nhạc Trịnh “giai điệu đều đều và nhàm nhàm, không có cao trào, không có những khúc hoành tráng để ca sĩ thể hiện giọng ca của mình”. Cũng đồng ý kiến với bạn Ngọc Lê, thành viên Veg trong diễn đàn webtretho phân tích: “Nhìn tổng thể thì nhạc Trịnh gây cảm giác buồn thảm, chán chường. Tiết tấu nhạc Trịnh đơn giản, giai điệu lặp lại nên người Việt dễ nghe, dễ hát, dễ cảm nhận , từ đó sinh ra dễ thần tượng và ghiền là chuyện bình thường… Ở nước ngoài chả mấy ai nhìn nhận nhạc Trịnh như báu vật cả.”
Theo thành viên Quanganguyen: “Nhạc Trịnh chán. Xét về âm nhạc, nếu chỉ tách riêng ca từ thì các sáng tác của Trịnh thường đơn điệu. Nếu so với Văn Cao, Phạm Duy thì đã không bằng, chưa kể rất nhiều nhạc sĩ có khả năng viết nhạc rất hay khác. Nhạc Trịnh là một dấu ấn quan trọng, nhưng tuyệt đối không phải là "âm nhạc thánh đường", càng không chiếm góc chủ chốt nào trong bức tranh tổng thể nền âm nhạc Việt Nam. Thích Trịnh, yêu Trịnh, nhưng không đồng ý với kiểu thần thánh hóa nhạc Trịnh, coi Trịnh là nhạc sĩ duy nhất. Trịnh chỉ đơn giản là một nhạc sĩ lớn, vậy thôi”.
Trong một diễn đàn khác thành viên traidatxanhxanh chia sẻ suy nghĩ của mình: “Bài hát của ông Trịnh chỉ vài bài hay, còn đâu nhiều bài giai điệu nghe nó cứ nhang nhác, nhàm nhàm giống nhau, nghe có vẻ triết lý nhưng thực chất là vay mượn góp nhặt, nên nhiều lúc thấy mơ hồ chả hiểu nói cái gì? Ông có tài gieo vần ghép nhạc thôi".
Giáo dục Việt Nam