Thực tế, nhiều người sẽ còn “ngã ngửa” hơn nữa nếu biết số tiền mà những cái tên lạ hoắc này thu về trong năm là vài tỷ đồng.
Đây cũng là năm lên ngôi của nhạc số trên thế giới, khi doanh thu nhạc số tăng 8,4% còn doanh thu băng đĩa giảm 5% - theo số liệu của Nielsen và Billboard.
Không giống với xu hướng thế giới, theo một số đơn vị kinh doanh nhạc số tại Việt Nam, doanh thu trong năm 2011 lại giảm từ 10 – 20% so với năm trước. Sự sụt giảm này cũng cho thấy tại thống kê của Trung tâm bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam (VCPMC) với số tiền tác quyền thu về được trong năm khoảng 850 triệu đồng (đối với nhạc chuông) và gần 2,5 tỷ đồng (đối với nhạc trực tuyến trên các website). Tuy nhiên, sự sụt giảm được cho chỉ là một cú chững tạm thời, sau thời gian choáng ngợp vì sự mới mẻ của nhạc số của người nghe Việt Nam. Riêng với VCPMC, doanh thu giảm bởi nhiều ca sĩ đã chọn cách tìm đến thẳng với CP (đơn vị cung cấp nội dụng cho các mạng điện thoại) mà không qua đơn vị này.
Phạm Trưởng, một ca sĩ mới nhưng lại nằm trong top 3 ca sĩ có
ca khúc được tải nhiều nhất.
Thực tế, nhạc số vẫn là miếng bánh cực kỳ béo bở ở hiện tại và tương lai, nếu không muốn nói là hoàn toàn đủ khả năng thay thế nhạc đĩa. Và theo đại diện một CP, thị phần nhạc chuông nhạc chờ tại các tỉnh cao hơn nhiều so với tại thành phố lớn. Đó cũng chính là lý do khiến bí quyết để “ăn” nhạc chuông nhạc chờ là phải có nhiều sô diễn tại tỉnh, và những cái tên xa lạ và liệt vào hàng “thảm họa” như HKT, Phạm Trưởng, Saka Trương Tuyền... trở thành những từ khóa hot được tìm kiếm nhất của nhạc số.
Theo đại diện của ca sĩ Nam Cường - người đứng trong top 3 ca sĩ có số người tải về (cùng HKT và Phạm Trưởng), số tiền ca sĩ này nhận được trong năm 2011 từ nhạc chuông nhạc chờ khoảng vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, con số nhà mạng thu về từ việc tải nhạc chuông nhạc chờ lên đến hàng tỷ, và với nhóm HKT là hàng chục tỷ đồng. Tùy theo hợp đồng và hình thức bán (thời gian bao lâu, độc quyền hay không độc quyền?...) sẽ quyết định tỷ lệ ăn chia giữa ca sĩ và các CP, giữa các CP và nhà mạng. Tuy nhiên, thường thì con số thực mà các ca sĩ nhận được là rất ít so với doanh thu thực tế mà nhà mạng đạt được. Bởi lẽ, các CP có thể giám sát được lượt tải của các nhà mạng, nhưng ca sĩ thì lại không. Con số mà ca sĩ biết được hoàn toàn phụ thuộc vào CP – một rủi ro không có khả năng kiểm soát.
Một điều đáng suy ngẫm khác là nếu như với các nước trên thế giới, nhạc trực tuyến được xem là xu hướng tương lai chứ không phải nhạc chuông nhạc chờ, thì tại Việt Nam, hiện tại nhạc trực tuyến vẫn là con số không to tướng: không doanh thu, không kiểm soát bởi do người nghe tự do đăng tải.
Theo thống kê của Nielsen và Billboard, ca sĩ được nghe/xem trực tuyến nhiều nhất trên thế giới là Lady Gaga, album 21 của Adele bán chạy nhất ở các gian hàng trực tuyến còn ca khúc được nghe/xem nhiều nhất là Super Bass của Nicki Minaj. Riêng ca khúc Rolling in the Deep của Adele được tải về thiết bị cá nhân nhiều nhất với 5,8 triệu lượt. |
Đất Việt