Lớn lên tại Paris (Pháp), lần đầu tiên Nguyên Lê trở về, biểu diễn trên quê hương vào năm 2004. Bảy năm sau, giới âm nhạc trong nước lại xôn xao khi biết một trong những tên tuổi nhạc jazz, worldmusic tài năng của thế giới tới biểu diễn tại Hà Nội. Thứ âm nhạc mới lạ, đỉnh cao, kết hợp nhạc điện tử với âm nhạc, nhạc cụ truyền thống, khiến công chúng và giới làm nghề ngỡ ngàng.
Nghe nhạc Nguyên Lê lần đầu tiên có người ngay lập tức bị lôi cuốn, người thì thấy là lạ. Nguyên Lê không ngạc nhiên: “Thật ra, đó mới là jazz. Đó là con đường, hướng đi mới của jazz. Mong muốn của tôi là không ngừng tạo ra thứ âm nhạc mà người khác chưa từng nghe trước đó, để họ được khám phá. Tôi luôn phấn khích khi sáng tạo những thứ mới mẻ”.
Nguyên Lê và Tùng Dương trong buổi biểu diễn tại Hà Nội tháng 7
vừa qua - Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà
Đến với âm nhạc từ năm 15 tuổi, lúc đầu chơi trống, sau Nguyên Lê chuyển sang chơi guitare. Cũng từ đó, ông biết guitare chính là niềm đam mê lớn của cuộc đời. Ông vừa chơi nhạc, vừa sáng tác. Thành công cùng những giải thưởng âm nhạc lớn đến với ông từ sớm. Nhưng với Nguyên Lê, con đường âm nhạc chỉ thực sự thay đổi khi Giáo sư Trần Văn Khê nói với ông: “Vì sao con không thử kết hợp nhạc điện tử với âm nhạc truyền thống Việt Nam?”.
Nguyên Lê tâm sự: “Bố mẹ tôi là người Hà Nội. Từ ngày tôi còn nhỏ, mẹ vẫn hát ru tôi với những làn điệu dân ca. Tôi thấy bối rối vì không thể nói tiếng Việt. Tôi muốn đi sâu vào dòng nhạc dân tộc để tìm lại bản thân, gốc rễ của mình”. Nguyên Lê đã hòa âm nhiều bản nhạc, phối hợp giữa nhạc cụ điện tử với nhạc cụ cổ truyền Việt Nam như đàn tranh, bầu, kìm, bộ gõ…, cùng giai điệu dân ca. Ông không những là người quảng bá jazz Pháp tới thế giới, mà còn là người tạo nên dòng jazz mang bản sắc âm nhạc Việt Nam.
Nguyên Lê đã sáng tạo cùng những sắc màu âm nhạc truyền thống đến từ nhiều vùng đất trên thế giới. Ca sĩ Tùng Dương nhận xét: “Khi nghe nhạc của Nguyên Lê, chúng ta không cần bàn nhiều về kỹ thuật mà điều nên nói tới là hệ tư tưởng trong âm nhạc của ông. Lấy jazz làm gốc, ông đã phát triển, biến hóa nó cùng các thể loại âm nhạc truyền thống, đặc trưng của nhiều quốc gia thuộc những châu lục khác nhau. Với tôi, âm nhạc của Nguyên Lê giống như những chuyến đi không có hồi kết…”. Hỏi sự pha trộn như vậy có làm mất đi bản sắc âm nhạc của mỗi vùng miền, ông nói: "Tôi không nghĩ như thế bởi tôi đang cố gắng giữ những thứ âm nhạc đẹp đẽ ấy bằng tất cả sự thành thật của trái tim”.
Đêm nhạc Quê nhà còn có sự tham gia của ca sĩ Mỹ Linh, Tùng Dương, nghệ sĩ đàn dân tộc Vân Ánh, ban nhạc Anh em.
Thanh Niên