- Anh thoắt ẩn thoắt hiện, và mỗi lần hiện lại là một lần có liveshow đình đám. Vậy chứ từ đêm nhạc "Guitar cho ta" (diễn ra đầu tháng 1 năm nay) cho tới giờ, anh ẩn ở đâu vậy?
Tôi làm việc, viết và đi chơi quần quật. Kết quả của 10 tháng ẩn dật ấy là liveshow Ôi quê tôi. Những giọt mồ hôi và tâm huyết của tôi chảy tràn cùng với đêm nhạc này đấy.
- Kể từ cảm giác lo lắng, run rẩy vì không thể đo được độ hot của cái tên Lê Minh Sơn khi quyết định tổ chức liveshow đầu tiên năm 2007, cho tới nay anh đã sở hữu chẵn chục đêm nhạc riêng, những run rẩy ấy có khác đi nhiều?
Đúng là tôi quá sợ hãi khi lần đầu tiên ra mắt công chúng trong một đêm nhạc của riêng mình. Khi ấy, tôi không biết cái tên của tôi liệu có đủ sức nặng để bán được vé không. Ở đây chưa bàn tới chuyện tiền, mà sự ủng hộ của công chúng sẽ trở thành minh chứng cho quá trình làm nghề của tôi. Và tôi không ngờ. Tôi đã vỡ òa trong cảm xúc, tôi đã chiến thắng và nhận ra một điều, từ nay tôi đã sống được với nghề, sống được bằng nghề.
Còn bây giờ, cảm xúc vỡ òa thì còn nguyên vẹn sau mỗi đêm liveshow, nhưng lo sợ thì không còn nữa. Bởi tôi tin chắc rằng, thưởng thức âm nhạc của Lê Minh Sơn đã trở thành một nhu cầu của nhiều khán giả chứ nó không còn dừng ở sự tò mò, xem cho biết nữa. Nhìn vào mắt khán giả, tôi thấy niềm tin trong họ, và hiểu rõ tình cảm mà họ dành cho những nỗ lực của tôi. 9 liveshow đã qua chưa đêm nào ghế trống, điều đó khiến tôi yên tâm cống hiến hết mình cho "nhất nghệ tinh" - âm nhạc - thứ suốt đời tôi theo đuổi.
- Là nhạc sĩ nhưng anh chơi trội với mỗi năm 2 liveshow - điều hiếm gặp ở ngay cả những ca sĩ đình đám nhất showbiz. Anh làm vì yêu hay vì nhận ra rằng, cái tên Lê Minh Sơn cũng kiếm được kha khá tiền bán vé?
Giữa tiền bạc và sự làm nghề, phải thẳng thắn là 50:50. Sẽ là nói phét nếu tôi khẳng định mình làm nghề mà không nghĩ tới khía cạnh thương mại. Tuy nhiên hãy nhìn vào thực tế, có bao nhiêu nhạc sĩ - ca sĩ thực hiện được chương trình riêng đều đặn mỗi năm 2 lần như tôi. Và lần nào làm, tôi cũng mang tới mức cảm xúc lớn nhất cho khán giả. Vậy để nuôi dưỡng nhuệ khí âm nhạc ấy, nuôi dưỡng sức mạnh tinh thần giúp tôi cống hiến hết mình, thiết nghĩ nếu tôi có đặt nặng một chút vấn đề thương mại cũng là điều dễ hiểu chứ. Không có tiền, làm sao tôi đủ dũng cảm để tiếp tục sống với đam mê của tôi và của công chúng?
Được sống với đam mê là điều tuyệt vời, nhưng để nuôi được đam mê thì người làm nghề phải sống được bằng nghề. Sáng tác thì nhiều người làm được, nhưng để có cơ hội vỡ òa trên sân khấu trong một đêm nhạc riêng thì không phải nhiều người có cơ hội. Nhưng tình yêu của khán giả, niềm tin họ dành cho tôi đã xây đắp niềm tin cho tôi thực hiện chuỗi liên tiếp liveshow như thế này.
- Nhưng "cơn lốc" liveshow của anh có thể trở thành lưỡi dao sắc bén cắt đứt sự sáng tạo của chính chủ nhân, khi anh vì chạy theo số lượng mà không có thời gian và trí lực dành cho việc sáng tác mới lạ, hoặc ít nhất cũng phải tạo được đêm nhấn cho mỗi đêm diễn?
Tôi sống bằng nghề nên tôi hiểu nguyên tắc không được đánh mất thương hiêu. Nếu đêm diễn của tôi lèo tèo khách xem, tôi biết chắc rằng ngoài việc tôi bị lỗ vốn về mặt đầu tư tiền bạc, ngày mai truyền thông sẽ có cơ hội cười vào sự ngây thơ và lạc quan tếu của tôi. Áp lực về chuyện làm thế nào cho liveshow của mình đạt tới yêu cầu hoàn hảo, tôi gần như bị rút hết sức lực và tâm trí. Nhưng có vẻ, đó lại là cách giảm cân khá tốt thì phải (cười). Chuyện làm tốt hay không khó có thể nói phét được. Khi bạn bắt tay vào làm, sẽ thấy có hàng vạn thứ ập vào người, hàng ngàn người đang ngóng chờ sản phẩm của bạn theo cách mà họ kỳ vọng.
Không chỉ thế, khi một người đã tìm thấy lối thoát cuộc sống, mà ở đây là tôi đã tìm thấy đường sống trong nghề nhạc, chắc chắn tôi sẽ rút hết tâm sức để làm. Người ta gọi đó là sự nhất tâm vì nghề. Tôi cũng chẳng sợ hết mảng miếng vì nghề của tôi là phải sáng tạo. Âm nhạc giúp tôi tồn tại với đời, với khán giả, vì thế tôi không thể làm chểnh mảng kiểu chỉ cho có.
- Nhưng sự sáng tạo không phải lúc nào cũng cuồn cuộn chảy, bởi rất nhiều người làm nhạc đã rơi vào tình trạng stress, chán nản đó thôi?
Tôi cũng không ngoại lệ, nhưng may mắn vì thời điểm buông xuôi, chán nản với nghề đến với tôi khá sớm, và tôi đã bước được qua nó để giờ đây, trong tôi tràn trề sức làm việc mới. Năm 2008, tôi hầu như rất chán công việc, không muốn động đậy chân tay gì hết, cái đầu cũng không muốn suy nghĩ gì. Rất hạnh phúc bởi bên tôi có những người bạn tử tế, họ vui buồn với những thăng trầm của tôi, giúp tôi đứng lên và vượt qua thời điểm hoang mang, chỉ muốn gục ngã.
Xzone