39 năm xa quê mẹ, Khánh Ly trở về với Hà Nội bằng một đêm nhạc đầy ắp tình yêu và kỷ niệm vào tối 10/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Trong đêm nhạc Khánh Ly không chỉ hát mà còn trò chuyện rất nhiều với khán giả. Tuy nhiên, không ai hiểu vì sao ca sĩ Khánh Ly lại nhắc nhiều đến cái chết, đến sự ra đi…
Ám ảnh về một sự ra đi
Gọi là trò chuyện nhưng thực chất là ca sĩ Khánh Ly độc thoại một mình trên sân khấu. Những câu chuyện không chỉ xoay quanh âm nhạc mà còn cả những câu chuyện về thân phận cuộc đời của chính bà, nhất là những kỷ niệm “chưa bao giờ chết” với “ông Sơn” (từ dùng của Khánh Ly - PV).
Tuy nhiên, có một điều thật khó hiểu, đó là giọng ca tuổi 70 này nhắc nhiều đến cái chết. Cái chết hiện hữu trong câu chuyện của bà lúc dưới dạng một câu ước nguyện: “Tôi luôn ước có một ngày được hát rồi chết luôn cũng được”; hoặc: “Có nhiều người hỏi tôi thích bài nào của ông Sơn nhất, thật ra bài nào tôi cũng thích cả. Và tôi ước ao có một lần nào đó, tôi xin được hát cho đến khi nào tắt tiếng luôn, hát cho chết luôn cũng được nữa”.
Có lúc bà lại mênh mang trong một lời tâm sự nhẹ nhàng: “Tôi năm nay đã ở tuổi 70. Có thể khoảng 1 đến 2 năm nữa tôi cũng sẽ im tiếng thôi. Tất cả vui buồn, sướng, khổ… trong đời sống này rồi sẽ đi qua, chỉ còn tình yêu ở lại. Chúng ta không thể sống mà không có tình yêu.
Chính kỷ niệm và tình yêu làm cuộc sống của chúng ta thăng hoa hơn. Dĩ nhiên, tôi mong được quý vị yêu mến khi tôi còn. Chứ nếu tôi đi ra khỏi cuộc đời này, tôi không còn được nghe quý vị bày tỏ nữa…”.
Khánh Ly hồi ức về Hà Nội bằng ca khúc “Nhớ mùa thu Hà Nội”
với dàn bè. Ảnh: TL
Theo lẽ thường, vào ngày hội ngộ, người ta sẽ trao cho nhau những nụ cười hoặc nói với nhau những lời yêu thương, hy vọng… Tuy nhiên, trong những tự sự về cuộc đời, ca sĩ Khánh Ly không dưới 5 lần nhắc đến cái chết, một điều mà người Việt Nam rất tránh. Nhiều người cho rằng, những lời của bà chỉ là vô tình nhưng lại như một điềm báo không lành chăng(?!).
Có lẽ vì thế, trong giây phút xúc động cuối chương trình, ca sĩ Khánh Ly chia tay khán giả bằng khúc hát “Một cõi đi về” mà khuôn mặt đẫm lệ. Bà cố kéo rê từng câu hát: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt. Rọi suốt trăm năm một cõi đi về…” như “vặn” cả tâm can mình ra để níu kéo một thân phận, một cuộc đời.
Một số người lại cho rằng, những lời nói kia chưa chắc đã “vô tình”. Bởi, cuộc hội ngộ này dẫu là lần đầu nhưng biết đâu là lần cuối?
Ca sĩ Khánh Ly chia sẻ: “Tôi cảm thấy mình may mắn hơn nhiều người vì đã được gặp Trịnh Công Sơn năm 1964 và được sống trọn với nhạc Trịnh 50 năm chưa rời một bước. Nhưng trong đời sống, không có cái gì có thể tồn tại mãi mãi ngoài âm nhạc và nghĩa tình. Tôi sợ, một ngày mai thức dậy, sẽ không còn được cất lên tiếng hát ngày nào…”.
Chưa bao giờ hiểu hết nhạc Trịnh
Khánh Ly cúi mặt giấu những dòng nước mắt khi hát bài chia tay
khán giả trong đêm nhạc. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
“Người em gái” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn chia sẻ, ngày còn trẻ, bà không hiểu hết được ý nghĩa của mỗi bài hát do nhạc sỹ Trịnh Công Sơn sáng tác. Ngay cả bây giờ, khi đã có tuổi rồi, bà cũng chỉ hiểu được một phần nào đó những ẩn ý trong các sáng tác của ông. Không hiểu nhưng bà cũng không bao giờ dám hỏi ông Sơn vì bà rất sợ nhạc sỹ biết bà “dốt” (từ dùng khiêm tốn của ca sĩ Khánh Ly - PV).
“Có nhiều điều tôi im lặng như thế, ai làm sao tôi làm vậy, nhưng nếu ai làm bậy tôi không làm theo đâu… Trong gia tài âm nhạc của ông Sơn, bài nào của ông, tôi cũng thích nhưng bài “Hạ trắng” thì tôi yêu lắm lắm. “Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu, gọi mãi tên nhau…” một lời nói thôi nhưng gửi gắm trong đó bao nhiêu là tình nghĩa. Bởi vì tình yêu có thể đi qua rất nhanh trong dòng đời của chúng ta nhưng cái nghĩa thì nằm lại với chúng ta mãi mãi. Đối với các bạn trẻ, xin giữ mãi cái nghĩa này bởi chúng ta hơn ai hết bao giờ cũng mong: “Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu, gọi mãi tên nhau…”, ca sĩ Khánh Ly chia sẻ.
Ca sĩ Khánh Ly kể, có lần bà đánh bạo hỏi nhạc sỹ Trịnh Công Sơn về bài hát “Tuổi đá buồn”, về giáo đường mà ông nhắc đến trong bài hát. Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã trả lời bà rằng: “Lúc sáng tác ca khúc, anh nghĩ, cuộc đời chỉ nên để con người yêu nhau thôi và nếu lấy tình yêu làm tôn giáo thì sẽ không còn đau khổ nữa. Giáo đường trong bài hát là giáo đường tình yêu chứ không phải giáo đường của một tôn giáo nào cả. Những người nào đang khổ đau, đang khao khát một tình yêu, đang thất vọng vì tình yêu… thì đến giáo đường đó để cầu nguyện.
Bài “Tuổi đá buồn” là một thế giới tưởng tượng. Giáo đường là ước mơ trong tương lai. Có lẽ những con người của thế kỷ 21 sẽ xây dựng nên giáo đường tình yêu ấy. Ở đó, con người chỉ yêu nhau thôi không nghĩ đến chuyện gì khác”.
Vì thế, mỗi khi buồn hay vui, thất vọng hay hy vọng… bà cũng tìm đến giáo đường của riêng mình để nguyện cầu
Cho đến bây giờ, ca sĩ Khánh Ly vẫn quả quyết, đối với bà, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn là người hát nhạc của mình hay nhất. Lúc sinh thời, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn rất yêu bài “Mưa hồng”. Mỗi khi bà và nhạc sỹ hát chung, ông thường bảo: “Anh hát hay hơn Mai” (tên thật của ca sĩ Khánh Ly là Lệ Mai).
Bà và nhạc sỹ họ Trịnh từng ước mơ rằng, lúc nào hai anh em cũng được ở bên cạnh nhau, đi với nhau, hát với nhau ở khắp mọi nơi. Nhưng ước mơ đã không thành. Năm 1992, ca sĩ Khánh Ly gặp lại nhạc sỹ Trịnh Công Sơn ở Canada. Đó là những ngày hạnh phúc nhất mà bà chưa bao giờ dám nghĩ tới. Trong cuộc gặp gỡ ấy, dù không nói ra nhưng cả hai vẫn hiểu, ước mơ được hát với nhau trên mọi nẻo đường quê hương Việt Nam vẫn âm ỉ trong mỗi người.
“Dẫu là ước mơ không thành thì cũng chẳng có gì thay đổi những cảm nghĩ giữa chúng tôi. Lần này tôi trở về, ông Sơn đi vắng. Ông đi xa. Nhưng tôi tin ông sẽ không thất vọng khi đã chọn tôi. Một lần nữa, tôi mong ông ở nơi xa sẽ không thất vọng khi giao những bài hát của ông cho tôi”, ca sĩ Khánh Ly bồi hồi tâm sự.
Theo Gia Đình và Xã Hội