Công thức lên ngôi mới lạ của sao Kpop
Quá trình giật cup tại Kpop đang ngày một rõ ràng và dễ nắm bắt. Sau chiến thắng của Busker Busker, SHINee, IU và mới đây nhất là Trouble Maker… khán giả không quá khó để nhận thấy quy trình này.
Theo đó, các ca sĩ sẽ phát hành ca khúc mới theo đúng ngày đã ấn định, sau đó để “con cưng” oanh tạc các bảng xếp hạng âm nhạc trong vài ngày, rồi nhường ngôi vị cho ca sĩ khác và ung dung chờ xướng tên trên các sân khấu âm nhạc hàng tuần.
IU lần lượt chiếm thứ hạng của Busker Busker.
Ngày 25/9, ca khúc chủ đề trong album thứ 2 là In The Beginning, A Thing Called Love của nhóm Busker Busker đã được phát hành và ngay lập tức nắm giữ ngôi vị cao nhất trên tất cả bảng xếp hạng âm nhạc danh tiếng. 3 ngày sau đó, IU trở lại với ca khúc The Red Shoes và đây cũng là thời điểm mà chuỗi ngày No. 1 của Busker Busker chính thức chấm dứt để nhường chỗ cho “Em gái quốc dân” IU.
Trong thời gian IU thống lĩnh ngôi vị No. 1 trên các bảng xếp hạng, Busker Busker lại dành cup trên các chương trình âm nhạc. Thế nhưng, chẳng bao lâu sau đó, Busker Busker lại một lần nữa phải nhường đường cho IU khi để cô nàng thay chân mình giật cup tuần.
Quy trình trên lại tiếp tục diễn ra khi K.Will trở lại và lần lượt giành lấy vị trí của IU trên các bảng xếp hạng cũng như chương trình âm nhạc.
Trouble Maker dễ dàng chiến thắng các show âm nhạc sau khi ca khúc
chủ đề Now tiêu diệt 9 BXH âm nhạc.
Ở thời điểm hiện tại, người đang từ từ giật cup của Music Bank, Music Core hay Inkigayo… chính là Trouble Maker. Trước đó nhóm đã có mặt tại 9 bảng xếp âm nhạc ngay khi phát hành ca khúc mới, Now vào ngày 25/10.
Tuy nhiên, vị trí của Trouble Maker đang bị lung lay bởi mới đây, vào ngày 6 và 8/11, miss A và Taeyang đã trở lại hoành tráng trên các trang nghe nhạc trực tuyến. Với việc đứng đầu các bảng xếp hạng, rất có thể miss A hoặc Taeyang sẽ thay Trouble Maker giành No. 1 từ các chương trình âm nhạc.
Giải mã quy trình giật cup
“Vì sao ca sĩ cứ chinh phục tất cả bảng xếp hạng âm nhạc lẽ sẽ dễ dàng giật cup?”, đây có lẽ là câu hỏi đang được nhiều người đặt ra khi quy trình trên cứ diễn ra ngày một nhiều tại Kpop. Thực tế, đáp án để thỏa mãn thắc mắc trên không nằm đâu xa mà nó hiện diện ngay trong cách thức tính điểm của các chương trình âm nhạc.
SNSD từng khiến các BXH lẫn chương trình âm nhạc "điêu đứng"
trước cơn bão I Got A Boy.
Music Bank, Music Core, Inkigayo, Sho Champion… mỗi chương trình kể trên đều có cách thức tính điểm hoàn toàn khác nhau. Thế nhưng, dù bao gồm những yếu tố nào, tất cả trong số chúng đều không thể thiếu điểm từ các bảng xếp hạng âm nhạc. Thậm chí lượt nghe tải trực tuyến còn đóng vai trò tiên quyết khi chiếm tới trên 50% trong tổng số điểm của các chương trình.
Music Bank luôn ưu ái yếu tố doanh thu trực tuyến.
Là một trong những chương trình âm nhạc uy tín, Music Bank quyết định người thắng cuộc dựa trên 65% doanh thu trực tuyến, tức lượt nghe tải trên các trang nghe nhạc, 20% tần suất phát sóng trên KBS, 10% khán giả bình chọn và 5% còn lại phụ thuộc vào doanh số bán album.
Tương tự, doanh thu trực tuyến chiếm 50% trên Mnet M!Countdown và 50% trên Inkigayo. Với tỷ lệ trên, việc ca sĩ có thứ hạng cao nhất trên các bảng xếp hạng âm nhạc sẽ có khả năng chiến thắng chương trình âm nhạc là hoàn toàn dễ hiểu.
Yếu tố thúc đẩy tiêu cực
Sau bao năm tồn tại và phát triển, các chương trình âm nhạc vẫn tích cực duy trì việc dùng lượt nghe tải trên các trang nhạc trực tuyến để làm yếu tố tính điểm chủ chốt. Đương nhiên, đây là công thức khá hợp lý và phản ánh đúng sự thành công của các ca khúc. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, nó vẫn tồn tại những tiêu cực, nhất là khi tình trạng mua thứ hạng đang diễn ra ngày một nhiều tại Kpop.
Gần đây, fan Kpop đã được dịp đứng ngồi không yên trước bản báo cáo được đưa ra bởi Ilgan Sports. Theo trang này, vị trí trên các bảng xếp hạng âm nhạc hoàn toàn có thể mua được bằng tiền.
Mua thứ hạng là một trong những cách mờ ám để tăng hạng cho ca sĩ.
Thông qua những nhà môi giới, các công ty quản lý sẽ chi ra một khoản tiền lớn nhằm tăng lượng người nghe cho các sản phẩm âm nhạc riêng. Theo đó, để trụ vững trong top 20 từ 4-5 ngày, các nghệ sĩ có tiếng sẽ phải chi ra 300.000 USD Mỹ (khoảng 6 tỷ đồng) còn đối với các "ma mới", số tiền đó sẽ tăng thêm 200.000 USD.
Mô hình hoạt động của hiện tượng này bắt nguồn từ việc tạo hàng loạt tài khoản để nghe nhạc trực tuyến. Sau đó, những người này sẽ canh thời điểm ít ai theo dõi để bắt đầu chạy nhạc. Những nhà môi giới thực hiện công việc trên đều có kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing nên việc giúp một ca khúc tăng lên tới hàng trăm, thậm chí là hàng chục ngàn lượt nghe chỉ trong một thời gian ngắn là điều không quá khó khăn.
Theo nguồn tin cho hay, một nhóm A đã nhảy từ hạng 160 lên hạng 28, nhóm B bay từ 260 lên 30 một cách dễ dàng. Một ca sĩ mới trở lại trong hè năm nay cũng đã gian lận theo cách này để tự tăng hạng.
Được xem là một vấn nạn gây đau đầu cho những nhà quản lý âm nhạc Hàn Quốc, nhưng đến giờ điều này vẫn chưa được cải thiện. Thế nhưng, bất chấp hạn chế trên, các chương trình âm nhạc vẫn lấy thứ hạng trên các bảng xếp hạng để xây dựng nên công thức tính kết quả người chiến thắng cho riêng mình.
Điều đó vô tình đẩy tiêu cực này ngày càng đi xa và được nhiều ca sĩ, công ty quản lý áp dụng, bởi chỉ với một khoản tiền là họ đã dễ dàng có được vị trí cao tại các trang web nổi tiếng, kèm theo đó là chiếc cup tuần uy tín từ những chương trình âm nhạc như Music Bank, Inkigayo…
Theo Baodatviet.vn