Không những thế, các em còn nâng “trình” của mình lên một bước cao hơn đó là “tấn công” vào những ca khúc kinh điển, thuộc hàng khó để có đất thể hiện.
Bất đắc dĩ phải hát bài người lớn?
Chỉ tính riêng trong liveshow diễn ra tối 23/8 đã có tới 4 ca khúc được “đóng đinh” với tên tuổi của các ca sĩ thành danh: “Mẹ yêu con”, “Hồ trên núi”, “Sắc màu”, “Lời ru cho con”... Những ca khúc còn lại, trừ bài “Cò lả” ra, cũng đều là bài của người lớn. Chính HLV Hồ Hoài Anh cũng đã đôi ba lần nhắc đi nhắc lại câu “cửa miệng”: “Chú xin lỗi vì đã để con hát bài này”; “Chú biết là đã đặt lên vai con một bài hát quá với sức và độ tuổi của con”...
Quang Anh hát bài Sắc Màu trên sân khấu
Đây không phải là trường hợp riêng biệt của đội Hồ Hoài Anh mà là đặc điểm chung của Giọng hát Việt nhí. Chính vì vậy, khi thí sinh chọn ca khúc “Sóng tình” để thể hiện, nhạc sĩ này đã phải sửa lại tên thành “Sóng tình bạn” để phù hợp với các em. Phần lời “Này người yêu dấu ơi” cũng sửa thành “Này người bạn yêu dấu ơi”... Nhưng để một thí sinh đang bị sốt xuất huyết như Vũ Song Vũ (đến mức bác sĩ cũng phải khuyên bỏ cuộc vì không đảm bảo sức khỏe) mà vẫn hát ca khúc thuộc hàng kinh điển như “Mẹ yêu con” thì HLV của em quả thực là quá... liều. Đành rằng, rất có thể đó là nguyện vọng của thí sinh, nhưng còn rất nhiều ca khúc về mẹ nhẹ tông hơn mà vẫn chuyển tải được thông điệp của người con dành cho mẹ, thay vì cố gồng mình để hát cho tròn trịa.
Với đặc điểm và thế mạnh của truyền hình là tạo ra thói quen cho người nghe/xem, việc thí sinh nhí chủ yếu hát tiếng Anh và hát ca khúc của người lớn cũng không còn làm khán giả khó chịu nữa. Thay vào đó, công chúng dần cảm thông hơn với sự lựa chọn (nhiều khi là bất đắc dĩ) của thí sinh nhí. Chính Phương Mỹ Chi cũng tâm sự rằng, bản thân em thích hát những bài của người lớn từ khi còn nhỏ nên cũng hát hay hơn so với bài hát của thiếu nhi.
Trong liveshow tối 24/8, mỗi đội đều có màn trình diễn hơn cả sự mong đợi, dù phần lớn tiết mục của các em đều quá cao so với tuổi. Thật hiếm khi Giọng hát Việt nhí có một đêm diễn với hơn 90% ca khúc tiếng Việt (chỉ duy nhất Huỳnh Hữu Đại hát nửa bài tiếng Anh Marry you). Nhưng có vẻ như ban tổ chức muốn khán giả hiểu rằng, để “thuần Việt” được không phải là dễ khi mà có quá ít ca khúc hay và phù hợp để lựa chọn. Và dù đây là một show dành cho thiếu nhi nhưng không lấy gì làm ngạc nhiên với phần lớn các ca khúc trình diễn trong liveshow 4 đều phải “đào xới” từ kho tàng của người lớn.
Việc trẻ em từ chối chính ca khúc viết về mình là có lý do. Cần phải hiểu rằng, đây là cuộc thi chứ không phải sân chơi như Đồ Rê Mí, điều các em quan tâm là làm sao để phô diễn được giọng hát của mình, cao hơn là làm sao để chiến thắng. Nếu chỉ lựa chọn các ca khúc thiếu nhi thì chắc chắn, các em sẽ đáp ứng được tiêu chí của lứa tuổi chứ không đáp ứng được tiêu chí của cuộc thi, đó là sự chuyên nghiệp trong giọng hát. Hơn nữa, bản chất của các ca khúc thiếu nhi là dễ hát, giai điệu đơn giản, trong khi cuộc thi không phải thi xem ai hồn nhiên, trong sáng hơn.
Nhiều khán giả tỏ ra cảm thông hơn khi cho rằng, nếu lựa chọn những ca khúc đúng lứa tuổi như: “Cánh én tuổi thơ”, “Hổng dám đâu”, “Tuổi đời mênh mông”... thì chắc chắn các em sẽ bị HLV loại ngay lập tức. Vì vậy, không lấy gì làm ngạc nhiên khi các thí sinh đều xem việc lựa chọn bài người lớn là sự tối ưu và an toàn. Ít ra, việc lựa chọn này cũng khiến các em thấy tự tin và an tâm hơn để phô diễn kỹ thuật, khả năng thẩm thấu ca khúc.
“Giọng hát nhí” vượt mặt “Giọng hát lớn”
Bất chấp những tranh cãi xung quanh định dạng của Giọng hát Việt nhí, theo kết quả thăm dò và điều tra của một công ty đo lường về người xem truyền hình, phiên bản nhí đang thể hiện sự chênh lệch rõ ràng về lượng người quan tâm so với phiên bản của người lớn. Trong khi Giọng hát Việt nhí đạt tới con số gần 11. thì Giọng hát Việt chỉ được 3-4. là tối đa (thuật ngữ đo rating/lượng người xem trên truyền hình).
Kết quả thăm dò này dựa trên hai phương pháp: Một là điều tra xã hội học bằng cách đến tận các gia đình ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ... để hỏi trực tiếp. Hai là dựa trên hệ thống định vị tự động được cài trên điều khiển của tivi. Nhiều doanh nghiệp thường lấy số liệu đo lường này làm căn cứ đáng tin cậy để quyết định làm quảng cáo. Thông thường, với những chương trình chỉ cần có lượng người xem đạt đến con số 1. là đã đủ để kêu gọi quảng cáo, vậy mà Giọng hát Việt nhí đã đạt đến con số kỷ lục với mức trung bình là 11. (lúc thấp nhất là 6-7., vào giữa chương trình có khi đạt tới 14.4). Trong khi đó, chương trình thời sự lúc 19 giờ của VTV nổi tiếng được nhiều người xem nhất cũng chỉ đạt đến con số trên dưới 6. là cùng.
Cũng theo báo cáo này, khán giả miền Bắc có độ quan tâm đến Giọng hát Việt nhí nhiều hơn gấp 4 lần so với khán giả phía Nam, cho dù chương trình này tổ chức và ghi hình ở TP HCM. Truy cập vào trang thông tin quảng cáo của VTV cũng cho thấy, 10s quảng cáo trên Giọng hát Việt nhí có giá 130 triệu đồng và 30s là 260 triệu. Trong khi đó, Giọng hát Việt chỉ có 100 triệu cho 10s và 200 triệu cho 30s.
Theo Giadinh.net.vn