- Theo anh, trong âm nhạc, giảng viên và huấn luyện viên có khác nhau nhiều không?
- Khác nhau nhiều chứ! Một bên là quá trình dài và một bên là quá trình ngắn, đồng thời hai mục đích cũng khác nhau. Tôi ví dụ trong chương trình Hợp ca tranh tài chẳng hạn, trong một thời gian rất ngắn, không đủ để sửa đổi một giọng hát, mình chỉ có thể khai thác những gì sẵn có và che bớt đi những khuyết điểm đang có. Ngược lại, nếu là giảng viên, nhiệm vụ của họ phải là khắc phục những nhược điểm, không phải là che bớt, phải sửa đổi được. Riêng việc khắc phục này, huấn luyện viên không có thời gian để khắc phục.
- Vừa qua, đánh giá về khả năng làm giám khảo, HLV chương trình The Voice của Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà, Thanh Lam thẳng thắn e ngại: "Không thể tưởng tượng ra hai ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà sẽ dạy bằng cái gì?... Có bột mới gột nên hồ. Phải có trình độ mới dạy được". Anh thấy những nhận xét của Thanh Lam đã xác đáng?
- Theo tôi, chị Thanh Lam đang nói về vai trò của người giảng dạy nhiều hơn là vai trò của HLV. Tôi không nói ai đúng, ai sai. Thực ra, chị Lam nói có lý của chị, nếu chúng ta xem hai vị HLV kia với tư cách là giảng viên. Còn họ làm HLV, có những cái bản thân người ta không được đào tạo cơ bản, nhưng họ vẫn có thể dạy tốt hơn những người được đào tạo cơ bản.
Với những người làm giảng viên, bắt buộc phải có trình độ, có chất. Tuy nhiên, tất cả tùy vào tính chất của từng vấn đề, đối với tôi, những bạn thi The Voice là những bạn có giọng hát tốt nên cần những người đào tạo, khai thác những giọng hát này như thế nào. Tôi nói thật, cả 4 giám khảo hiện giờ của The Voice đều làm tốt vấn đề khai thác này. Thậm chí, làm rất tốt nữa là đằng khác, vì họ toàn những người có kỹ xảo, đầy kỹ xảo trong người, mà trong thời gian ngắn họ không thể dạy kỹ thuật cho thí sinh được mà dạy kỹ xảo nhiều hơn.
- Theo quan điểm của anh, các thí sinh "The Voice" sẽ được khai thác và định hướng bằng các công nghệ, kỹ xảo của dòng nhạc thị trường?
- Thị trường hay không không quan trọng, mỗi một giọng hát có một ưu nhược điểm theo các dòng nhạc khác nhau. Vai trò của HLV là nhìn ra được cái thế mạnh của từng thí sinh thiên về cái gì và khai thác triệt để cái thế mạnh ấy. HLV là người dùng những kỹ xảo để che bớt đi những khuyết điểm và bộc lộ tốt nhất những ưu điểm có sẵn trong từng thí sinh.
- Giả sử, các thí sinh của "The Voice" rơi vào tay Đức Tuấn, Thanh Lam, Hồng Nhung… anh nghĩ họ có khá hơn công nghệ kỹ xảo của 4 vị HLV hiện tại hay không?
- Tôi nghĩ rằng với khoảng thời gian ngắn như vậy, các thí sinh The Voice dù có rơi vào tay những người giỏi về kỹ thuật thanh nhạc, có trình độ giỏi đến đâu cũng khó làm thay đổi được gì. Kỹ thuật thanh nhạc sẽ làm cho giọng hát của các thí sinh tốt hơn nhưng trong thời gian hạn hẹp họ không thể thay đổi được.
- Với những tập đã phát sóng của "The Voice", anh có thích cách nhận xét, đánh giá, tranh giành thí sinh của 4 vị giám khảo hay không?
- Thực ra nếu muốn biết 4 vị giám khảo này đào tạo thí sinh như thế nào phải chờ các vòng tiếp theo, mà các vòng tiếp theo này chưa chiếu trên tivi (cười).
Hiện tại, các khả năng cơ bản, những tố chất mộc mạc nhất của các thí sinh vừa thể hiện chưa có sự can thiệp từ các bàn tay của HLV. Từ những giọng hát bản năng này nó sẽ ra cái gì thì tôi chưa nhìn thấy được nên tôi không trả lời được.
- Có nghĩa là thời gian sẽ trả lời về trình độ đào tạo của các HLV "The Voice" và thời gian cũng sẽ chứng minh cho những nhận xét của chị Thanh Lam?
- Tôi đã nói rồi, chị Thanh Lam có cái lý của chị ấy trong một môi trường khác, không phù hợp với chương trình này. Mỗi vị HLV đâu chỉ có nhiệm vụ giảng dạy, chẳng hạn đội của anh Đàm còn có thêm cả chị Cẩm Vân, anh Elvis Phương. Một vị HLV mạnh về cái này sẽ tìm người hỗ trợ thêm với ưu thế mạnh về cái khác để bù đắp cho thí sinh.
Ở đây, hoàn toàn không phải một mình Hà Hồ lo hướng dẫn cho thí sinh, bên cạnh đó có cả một ê-kíp, nhà sản xuất, giới chuyên môn hỗ trợ. Tóm lại, các HLV phải quan sát và thấy được phải làm gì cho thí sinh. Những gì chị Thanh Lam đưa ra lại phù hợp cho các cuộc thi hát thuần túy, không hợp với những chương trình thực tế kiểu The Voice.
Ngay chương trình Sao Mai điểm hẹn (SMĐH) diễn ra trong vòng 2 - 3 tháng cũng không thể làm theo kiểu chị Thanh Lam được. Đào tạo là cả một quá trình dài, không phải là quá trình ngắn vài tháng.
- Anh có thích xem chương trình "The Voice" hay không?
- Tôi nói thẳng là không thích, bởi ngay cả vòng tiếp theo của cuộc thi chuẩn bị chiếu trên tivi cũng là một sự sai lầm của nghệ thuật. Không chỉ là phiên bản Việt Nam mà phiên bản nước ngoài tôi cũng không thích vòng thi Đối đầu.
- Tại sao anh lại không thích vòng Đối đầu?
- Hai người hát cùng với nhau là để nâng nhau lên, cùng thăng hoa và làm cho bài hát hay hơn chứ không phải hai người hát với nhau, chỉ chăm chăm để hạ nhau. Vòng tiếp theo của The Voice là hai người hát với nhau để chứng tỏ ta đây hơn người khác, để "giết" người kia. Đối với tôi, đấy là những điều cấm kỵ khi hai người hát song ca cùng với nhau.
Khi hai ca sĩ song ca cùng với nhau là phải biết nương nhờ vào nhau, nâng nhau lên, tìm ra những đòn bẩy để cùng nhau thăng hoa. Còn ở vòng Đối đầu của The Voice, tôi lại không thể tưởng tượng nổi, hai người hát, mạnh ai nấy gào lên để chứng tỏ ta đây hơn người khác, song ca như thế, cá nhân tôi thấy hoàn toàn không được.
- Như vậy, có phải thí sinh "The Voice" sẽ tạo ra một khuyết điểm, một lỗ hổng to đùng khi hát song ca?
- Ban tổ chức đã đặt tên là vòng Đối đầu, nghĩa là không thí sinh nào dại gì nâng nhau lên, như vậy trong học hát tôi thấy hoàn toàn không đúng. Tôi nghĩ khi đào tạo thí sinh, mới chỉ là tinh thần, tôi đã thấy sai.
Phunutoday