Thấm đẫm nước mắt
Ngay cả một người mạnh mẽ và quyết đoán như Thu Minh cũng “nâng khăn lau mắt lệ” khi chọn ra cái tên đi tiếp vào vòng trong của luật chơi mang tên Đối đầu trên sân khấu GHV năm ngoái.
Nhiều khán giả đã không dám và không “nỡ” tưởng tượng 2 trong 3 thiên thần đáng yêu tài năng trong cùng một cuộc đấu phải dừng cuộc chơi và nhường cho người bạn mình rất gắn bó được bước tiếp.
Trẻ em vốn mong manh và chưa thông suốt mọi biến cố xảy đến với mình. Bài học “chấp nhận”, đứng dậy và làm lại xem ra phù hợp với lứa tuổi 14-15 hơn là đứa trẻ lên 9 vốn rất sợ bị bỏ rơi và nghe những lời từ chối.
Đằng này, người chối từ lại chính là người đã từng lựa chọn, giành giật và gắn bó với em ngay từ ngày đầu. Thí sinh khóc, phụ huynh rơi nước mắt, HLV đắng lòng, hàng triệu khán giả đẫm lệ chắc chắn là kịch bản rất được mong chờ từ phía nhà sản xuất. Với những gì đã diễn ra ở mùa đầu tiên của GHV, thì kịch bản này chắc sẽ lặp lại, thậm chí còn kịch tính hơn nhiều trên sân khấu của GHV nhí.
Không chỉ là “cân não”
Theo ghi nhận thì việc MC cũng òa khóc trên sàn đấu của vòng Đối đầu đủ thấy sức hấp dẫn và thông tin về vòng thi này được khán giả mong chờ hơn bao giờ hết.
Ở lại hay đi tiếp đều là phần không thể thiếu trong bất kỳ kịch bản thi thố nào. Nơi đó, sau khi tài năng được chiêm nghiệm và thể hiện, vòng Đối đầucủa GHV nhí sẽ phó thác quyền chọn lựa cho các HLV mà đúng hơn là sự cảm tính và những toan tính đường dài của bộ tứ quyền lực. Và bài toán phong độ- đẳng cấp sẽ lại được mang ra mổ xẻ bởi kinh nghiệm tại các quốc gia khác cho thấy, đôi khi thí sinh ra về hay tiếp tục một phần cũng phát xuất từ những sai lầm trong khâu chuẩn bị và cảm tính khi chọn lựa của các HLV.
Nếu các thí sinh trưởng thành tuy có nuối tiếc nhưng dễ dàng chấp nhận dừng cuộc chơi thì ở GHV nhí, khi chứng kiến vẻ mặt thất vọng của các tài năng nhỏ tuổi, ngoài tiếc nuối, khán giả lại thấy mình thổn thức.
Ở sân chơi này, HLV ngoài vai trò là người định hình và hướng dẫn thì còn đứng ở vị trí của một người cha, người mẹ, cô chú hay anh chị… Hiền Thục chắc sẽ khóc nhiều lắm nếu như con gái cô phải gác lại ước mơ và hẹn lần kế tiếp, làm cha làm mẹ như Hồ Hoài Anh- Lưu Hương Giang có thấy xót xa cho người ra về? Hay HLV dễ mến Thanh Bùi với bản tính chân thành vốn có, phải làm thế nào khi bắt buộc “phủ nhận” cảm tính và giành toàn quyền sinh sát cho thứ xưa nay vốn hay gây tranh cãi là lý tính?
Công chúng đang mong chờ thái độ và cảm xúc của các HLV khi nói lời chia tay với người mình đã rất yêu mến. “Cân não” tinh thần là thế! Bởi ngoài làm HLV, bộ tứ ghế nóng còn là cha mẹ, là anh chị.
Chấp nhận hay là nghiệt ngã?
Với vòng thi đã được biên tập kỹ càng trước khi lên sóng, sự kịch tính và cao trào chắc chắn sẽ được đẩy lên tới đỉnh điểm. Bằng những kinh nghiệm “xương máu” đối phó với scandal của GHV chính thống mùa trước, GHV nhí có lẽ sẽ tạo cho mình một kịch bản “thanh sạch” và chú trọng về xúc cảm nhiều hơn. Như thế bài học “chấp nhận” sẽ nhẹ nhàng và không ồn ào như trường hợp của Lê Nguyễn Quỳnh Anh của Vietnam’s Got Talent mùa vừa qua.
Thế nhưng bên cạnh việc chấp nhận rời cuộc chơi, điều lo lắng nhất chính là tâm lý các thí sinh nhí trở nên xáo trộn và nhạy cảm hơn bao giờ hết, thậm chí nghiêm trọng hơn là rất dễ bị tổn thương nếu không có sự động viên và an ủi tích cực và đúng mực.
Nếu các gameshow truyền hình thực tế, một số thí sinh (trong đó có cả những ngôi sao) mang trong mình tâm lý hơn thua và “hờn dỗi” khi phải là người quay về thì sự “đào thải” công khai này diễn ra trong một chương trình toàn trẻ em, nỗi hụt hẫng là điều rất dễ hiểu. Hơn ai hết, sân chơi Đồ Rê Mí cũng rất nhiều lần chứng kiến cảnh sụt sùi hay òa khóc của các thí sinh, dù cuộc thi này ngoài các giải chính thức vẫn còn rất nhiều danh hiệu “an ủi” khác.
Ca sỹ Đức Tuấn có lần cũng bày tỏ quan điểm “không thích vòng Đối đầu”của GHV bởi “Hai người hát cùng với nhau là để nâng nhau lên, để cùng thăng hoa và làm cho bài hát hay hơn chứ không phải hai người hát với nhau, chỉ chăm chăm để hạ nhau. Vòng tiếp theo là hai người hát với nhau để chứng tỏ ta đây hơn người khác, để "giết" người kia mà thôi, đối với tôi đấy là những điều cấm kỵ khi hai người hát song ca cùng với nhau”.
Như thế, liệu nhận định “khi đào tạo thí sinh, mới chỉ là tinh thần là đã thấy sai” của Đức Tuấn sẽ để lại nhiều suy nghĩ khi diễn ra tại GHV nhí? Vì trước đó không lâu, những tài năng nhí còn ngồi cạnh nhau, ăn uống vui đùa gần nhau, gọi nhau bằng bạn, phút chốc lại phải “so găng” và trở thành đối thủ của nhau trong một cuộc chiến đối đầu đúng nghĩa đối đầu.
Không phủ nhận GHV nhí chỉ là một sân chơi mang tính tương tác thực tế, thế nhưng cùng với tính thương mại quá rõ ràng và giải thưởng đáng mơ ước, tâm lý hơn thua là điều dễ hiểu. Dù vô tình hay hữu ý, vòng thi này sẽ gây khá nhiều tranh cãi, và áp lực lớn nhất không phải ở thí sinh mà chính là 4 chiếc ghế xoay quyền lực.
Sự trong sáng, ngây thơ của các tài năng nhỏ tuổi chắc chắn sẽ lấy đi rất nhiều nước mắt của cả người trong và ngoài cuộc. Nhân văn hay ngược lại sẽ là sợi dây rất mong manh trong một cuộc chơi nghiệt ngã như GHV nhí.
Theo Mốt & Cuộc sống