Để đo đếm sự thành công của một chương trình, chỉ mới hai tập phát sóng chưa thể khẳng định được điều gì. Tuy nhiên, bước đầu chương trình nhận được nhiều lời khen ngợi và hy vọng nó sẽ là chương trình truyền hình thực tế ca nhạc hấp dẫn, bổ ích trong năm 2012.
Kịch bản mới
Chương trình Sao Mai - Điểm hẹn (SM-ĐH) 2004 không phải là chương trình mua kịch bản của nước ngoài, nhưng có thể nói nó mở đầu cho trào lưu truyền hình thực tế ca nhạc tại Việt Nam.
Ban Giám khảo Giọng hát Việt (Ảnh: Lý Võ Phú Hưng)
Tuy nhiên, có nhiều điều mà SM-ĐH 2004 “học hỏi” từ kịch bản của Pop Idol, mà điều thay đổi lớn nhất so với những cuộc thi hát trước đó là việc có Hội đồng nghệ thuật ngồi nhận xét sau mỗi phần trình diễn của sa sĩ. Tuy nhiên, điều đó giờ đã trở nên nhàm chán, thêm vào đó, các “giám khảo” của SM-ĐH không thể “sốc” như giám khảo của những cuộc thi khác mang tính giải trí là chủ yếu, nên yếu tố giám khảo những cuộc thi sau không còn mới lạ, hấp dẫn khán giả.
Những cuộc thi gần đây như Cặp đôi hoàn hảo, Bước nhảy hoàn vũ, Ngôi nhà âm nhạc… gần như lập lại một quy trình giống nhau: Sau khi thí sinh trình diễn thì các giám khảo nhận xét, thí sinh giao lưu (hoặc đứng cùng) với MC và xem giám khảo cho điểm.
Nếu không có những thí sinh vượt trội làm khán giả xuýt xoa thì các giám khảo là lực lượng duy nhất để có thể làm chương trình “nóng” lên. Tuy nhiên giám khảo như đạo diễn Lê Hoàng hoặc nhạc sĩ Trần Tiến không phải chương trình nào cũng có. Kể cả khi ngồi ghế giám khảo của chương trình như Ngôi nhà âm nhạc, Lê Hoàng cũng trở nên mờ nhạt.
Giọng hát Việt với kịch bản có những yếu tố khác hẳn như: giám khảo bấm chuông để chọn thí sinh chứ không phải cho điểm, giám khảo trổ tài thuyết phục thí sinh về đội mình khi có nhiều người chọn, thí sinh chọn “giám khảo”… Hình thức lạ lẫm từ chiếc ghế ngồi, từ những cái vung tay bấm chuông của giám khảo và cả những hồi hộp, lo âu, vỡ òa sung sướng của người thân thí sinh theo dõi con em mình đang hát và chờ đợi giám khảo bấm chuông được chiếu trên màn hình… Tất cả những điều đó đã giúp Giọng hát Việt tạo nên những giây phút hào hứng và kịch tính hấp dẫn người xem.
Chú ý vẻ đẹp của giọng hát
Khi biểu diễn, các nghệ sĩ (nhất là ở lĩnh vực biểu diễn nhạc cụ) họ thường nhắm mắt, đó là lúc họ dùng đôi tai để tập trung vào những giai điệu âm nhạc. Giám khảo của chương trình Giọng hát Việt ở Vòng thi giấu mặt ngồi quay lưng lại với thí sinh cũng tương tự như thế, đó là lúc họ chỉ thẩm định giọng hát bằng đôi tai mà không bị chi phối bởi yếu tố “nhìn”. Thí sinh chinh phục giám khảo bằng chính giọng hát của mình chứ không phải ngoại hình hay vũ đạo, điều đó đã giúp các giám khảo có khả năng lựa chọn những giọng hát tốt nhất.
Thí sinh The Voice 2012 (Ảnh: Lý Võ Phú Hưng)
Giám khảo của Giọng hát Việt ngoài việc là những gương mặt “hot” trên thị trường âm nhạc hiện nay, họ còn là những người có sở trường về các dòng nhạc như rock, pop/ballad, dance, R&B… nên một thí sinh có khả năng, khó mà thoát khỏi sự lựa chọn của các giám khảo.
Nếu xem chất lượng thí sinh là yếu tố quan trọng hàng đầu để đánh giá ý nghĩa của một cuộc thi hay một gameshow thì một số thí sinh của Giọng hát Việt qua hai tập vừa phát sóng đã bước đầu chinh phục được khán giả bằng giọng hát của mình, dấy lên cho nhiều người niềm hy vọng đó sẽ là những giọng ca chất lượng có thể trở thành những tên tuổi xứng đáng của thị trường âm nhạc trong tương lai.
Tuy nhiên, cũng cần nói rằng, qua nhiều cuộc thi hát hàng năm trên quy mô toàn quốc, nhất là vừa qua đã diễn ra cùng lúc 3 cuộc thi: SM-ĐH, Ngôi nhà âm nhạc và Giọng hát Việt, nhiều người nghĩ rằng tài năng ca hát đang cạn kiệt khó thể tìm ra. Giọng hát Việt có được những thí sinh ca hát chất lượng là do fomart của chương trình hay do yếu tố may rủi, điều này còn quá sớm để khẳng định. Nhưng chắc chắn một điều, vẻ đẹp của giọng hát là điều muôn thuở có thể lay động trái tim người nghe nhạc, và điều này đang được chú trọng ở Giọng hát Việt. Trong vô vàn chương trình truyền hình thực tế ca nhạc đã và đang diễn ra, ít ra Giọng hát Việt cũng đã làm được điều mà giới âm nhạc rất chú ý.
Thể thao văn hóa