Ca sĩ Ngọc Anh biểu diễn ca khúc Sẽ mãi yêu anh trong live show Bài hát yêu thích
tháng 3-2012 - Ảnh: Gia Tiến
Ngay khi những người có liên quan còn chưa biết “xử lý” thế nào trước thông tin này thì sáng sớm 24-3, phía Bài hát yêu thích lại tiếp tục gửi đến các đơn vị truyền thông một thông báo khác với nội dung sẽ tiếp tục kiểm tra các tin nhắn khả nghi trong việc bình chọn cho ca khúc Sẽ mãi yêu anh với mã số 037.
Theo thông báo mới này, tại thời điểm đóng bình chọn của tuần 10, chỉ trong ba giờ (từ 21g-23g59 ngày 22-3) ca khúc Sẽ mãi yêu anh đã nhận đến 4.883 tin nhắn bình chọn (chiếm 91,7% tổng lượng tin nhắn) từ 993 thuê bao. Trong 993 thuê bao đó, tiếp tục có nhiều thuê bao đáng ngờ, đã liên lạc nhiều lần mà không ai bắt máy.
Đại diện ban tổ chức cho biết sẽ kiểm tra một lượt nữa các thuê bao này và sẽ tiếp tục hủy kết quả nếu xác minh chính xác đây là hiện tượng “vận động tin nhắn không lành mạnh”, tổ chức nhắn tin bình chọn có quy mô lớn dẫn đến làm sai lệch kết quả bảng xếp hạng, ảnh hưởng đến các nghệ sĩ khác và khiến cuộc chơi thiếu công bằng.
Luật và... lách luật
Từ khi làng giải trí Việt nở rộ các hình thức thi hay trao các giải thưởng dựa vào sự bình chọn của khán giả, dư luận đã không ít lần nghi ngại về các kết quả cuối cùng. Thế nhưng mọi nghi ngại đều không được giải tỏa bởi hầu hết những bình chọn đáng ngờ đó đều biết cách lách luật để được công nhận hợp lệ.
Để bảo vệ uy tín của cuộc thi hay giải thưởng, các ban tổ chức cũng đã đưa ra rất nhiều điều lệ lẫn biện pháp hạn chế những “bình chọn mờ ám” nhưng vẫn không hiệu quả.
Cách đây ba năm, Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) bỗng xôn xao khi xuất hiện một đội quân vận động bình chọn giải V cho ca sĩ H. vào giờ tan tầm. Các công nhân được vận động nhắn tin bình chọn. Ai sẵn lòng tốn 3.000 đồng/tin bình chọn thì nhận được lời cảm ơn cùng nụ cười thân ái của đội quân vận động, ai không sẵn lòng thì đội vận động sẽ đưa 5.000 đồng để nhờ gửi một tin ủng hộ H..
Biết rõ chiến dịch vận động “hơi quá” này của H. nhưng ban tổ chức cũng “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì dù sao luật chơi cũng không cấm các nghệ sĩ “vận động hành lang” bằng hình thức này hay hình thức khác. Hơn nữa, dù trả tiền để người khác ủng hộ thần tượng của mình nhưng đội quân vận động cho ca sĩ H. vẫn tuân thủ đúng luật chơi là mỗi thuê bao chỉ nhắn một tin bình chọn.
Và thế là năm đó H. chiến thắng tuyệt đối với kết quả dù không thật sự thuyết phục nhưng vẫn được công nhận. Với hình thức bình chọn trực tuyến, không ít trường hợp đã cậy nhờ các phần mềm “click tự động” suốt cả ngày để đạt được lượng bình chọn cao nhất. Còn với các hình thức cắt phiếu bình chọn cũng không quá khó để “gom” bình chọn.
Người mạnh sẽ thắng?
Tuy nhiên, theo bầu Hoàng Tuấn - quản lý của ca sĩ Đan Trường, những hình thức như nhờ gia đình, bạn bè bình chọn, mua sim về tự nhắn, mua phần mềm để tự click bình chọn trên mạng... “xưa rồi Diễm”. Giờ đây đã xuất hiện những dịch vụ nhắn tin bình chọn theo gói (1.000, 2.000 hay 3.000... tin nhắn một lúc).
“Người mua” có thể mua một lúc vài ngàn tin nhắn bình chọn cho mình hay thần tượng của mình với giá “bèo” hơn so với việc phải nhắn từng tin lẻ (chỉ 500-1.000 đồng/tin nhắn, tùy theo gói ít hay nhiều tin nhắn).
Quá lợi và quá rẻ nên hiện có không ít nghệ sĩ đã bắt tay với các dịch vụ này để thắng giải. Những cách biệt quá lớn về số lượng tin nhắn giữa người chiến thắng với người về nhì trong cuộc chơi gần đây thường là đã sử dụng “kế sách” này. Các đơn vị tổ chức ít nhiều biết chuyện nhưng cũng... làm ngơ.
Vietnam Idol 2011 từng dậy sóng về việc có một thí sinh luôn nhận được lượng phiếu bầu là 6.000 ổn định một cách đáng ngờ qua suốt các vòng thi. Bên cạnh đó có những số điện thoại cùng bầu chọn cho một thí sinh mà hàng trăm số điện thoại đều có cùng đầu số với đuôi liền kề.
Hiện tượng này cũng không khác sự kiện “Sẽ mãi yêu anh” vừa xảy ra. Điểm khác biệt là ban tổ chức Bài hát yêu thích đã quyết liệt hơn trong việc xử lý hiện tượng này bằng thông báo hủy các “tin nhắn rác”.
Thế nhưng động thái được cho là nhằm tạo sự minh bạch, công bằng, uy tín cho sân chơi ca hát này vẫn không tạo được sự đồng tình hoàn toàn từ những ai quan tâm đến cuộc thi hay giải thưởng.
Trên mạng, người hâm mộ của Ngọc Anh nêu rất nhiều thắc mắc, trong đó nổi cộm là việc số tiền nhắn tin của những tin nhắn bị hủy sẽ được giải quyết ra sao. Ngay cả nhạc sĩ Huyền Thanh - phó trưởng ban văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam, trưởng ban tổ chức Bài hát yêu thích - cũng bày tỏ sự e ngại trong quyết định không công nhận các tin nhắn từ “sim rác” và đòi hỏi các bên phải đưa ra những hình thức giải quyết thuyết phục hơn.
Một số nghệ sĩ khi được hỏi đều cho rằng việc hủy các tin nhắn cho Ngọc Anh trong trường hợp này là hơi quá tay vì suy cho cùng cũng không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy các tin nhắn này không hợp lệ. Các nghệ sĩ cho biết các ban tổ chức đều không cấm nghệ sĩ vận động bình chọn ở bất cứ hình thức nào. Và trong bất kỳ “cuộc đua” nào, người mạnh, thông minh và khéo vận động hơn sẽ chiến thắng.
Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong nói: “Tôi rất chia sẻ với quyết tâm làm trong sạch bảng xếp hạng của ban tổ chức Bài hát yêu thích. Tuy nhiên tôi thấy cách xử lý trên chưa giải quyết được gốc của vấn đề. Không lẽ từ đây về sau cứ hễ nghi ngờ là ban tổ chức lại phải điện thoại vài lần cho cả ngàn thuê bao để kiểm tra và hủy kết quả khi cảm thấy có vấn đề? Để xác minh được đâu là một bài hát đang được yêu thích, thật sự không cần phải tốn công, tốn sức và tốn của đến thế”.
Tuổi Trẻ