Thời nay, làm ca sĩ chỉ với giọng ca không thôi chưa đủ. Muốn trở thành ngôi sao trên sân khấu mang tầm quốc gia và khu vực đòi hỏi ca sĩ phải có nhiều kỹ năng qua đào tạo rèn luyện bài bản, đúng chuẩn mực quốc tế mới mong đạt đến. Thế nhưng, không phải ai cũng nhận thức được điều đó.
Thích “ăn xổi ở thì”
Đạt được thứ hạng cao ở các cuộc thi hát trên sóng truyền hình nhưng hầu như các giọng ca triển vọng này không muốn bước chân vào các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp mà chỉ muốn làm ca sĩ ngay. Thậm chí, các suất học bổng của một số trường dạy nhạc chuyên nghiệp trong và ngoài nước ưu ái dành cho cũng bị họ từ chối. Đi học trường lớp bài bản là điều mà các giọng ca trẻ rất e ngại, trong khi các ca sĩ trên thế giới và trong khu vực đều lấy việc học làm nền tảng phát triển sự nghiệp lâu dài.
Dù đã là ca sĩ tên tuổi hàng đầu nhưng ca sĩ Hồng Nhung luôn coi trọng
việc học để nâng cao năng lực sáng tạo. Ảnh: Khôi Nguyên
Không muốn mất thời gian cho những khóa học bài bản dài hạn, một số ca sĩ trẻ muốn mình có được sự khác biệt, nổi trội nên nghĩ ra nhiều cách thức tạo phong cách trình diễn gây ấn tượng so với đồng nghiệp bằng cách đi học một vài ngón nghề đủ để làm màu trên sân khấu. Ca sĩ K. là một ví dụ. Cô tìm đến một nghệ sĩ violon tiếng tăm của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM để học nghề. Với quyết tâm cao, cô không ngại dành thời gian cho việc học nhưng chỉ yêu cầu người dạy là “luyện cho em có thể kéo thuần thục một đoạn nhạc để tạo không khí hứng khởi cho người xem khi trình diễn trên sân khấu là đủ”. Nghệ sĩ violon này cho biết anh thật sự kinh ngạc đến mức không thốt nên lời khi nghe yêu cầu của cô ca sĩ này.
Thực tế, trường hợp của ca sĩ K. không hiếm. Trong tư duy của hầu hết ca sĩ hiện nay, học nhạc chỉ là thứ phụ trợ cho nghề hát, nắm bắt cơ hội làm cho mình nổi tiếng mới là quan trọng. Vì vậy, thay vì phải xây dựng nền tảng bằng kiến thức âm nhạc cho bản thân, nhiều người đã chọn việc xây dựng một ê kíp hỗ trợ, trong đó có giới truyền thông, ngồi bày mưu tính kế làm sao có được sự nổi tiếng nhanh nhất. Ca sĩ Ngọc Tuyền kể một hot boy có giọng hát tốt đã học luyện thanh để thi vào Nhạc viện TP.HCM. Cậu ta có đủ khả năng trở thành sinh viên khoa thanh nhạc Nhạc viện TP.HCM nếu chịu thi vào nhưng đáng tiếc là chỉ luyện thanh được 2 tuần, cậu ta bỏ học. Một thời gian ngắn sau đó, ca sĩ Ngọc Tuyền mới vỡ lẽ khi thấy chàng trai này cặp kè với một người mẫu tham gia đóng phim, đi hát và giỏi nhất là tạo scandal để được xuất hiện sớm trên mặt báo.
Những trung tâm đào tạo ca sĩ do các ca sĩ có tên tuổi thành lập mọc lên như nấm để đáp ứng nhu cầu muốn trở thành ca sĩ của nhiều người trong những năm gần đây. Đó là những khóa đào tạo ngắn hạn, đôi ba tháng với bài tập vỡ giọng, kinh nghiệm biểu diễn cùng đôi ba bài vũ đạo… Sau khi bỏ tiền đầu tư một sản phẩm CD, những học viên này nghiễm nhiên trở thành ca sĩ. Vài năm gần đây, khi các chương trình truyền hình tìm kiếm tài năng ca hát nở rộ, nhiều thí sinh sau khi rời cuộc thi bước ngay vào nghề ca hát trở thành ca sĩ chuyên nghiệp.
Ca sĩ chỉ hát được buổi tối
Chỉ có ở Việt Nam mới có chuyện ca sĩ không thể hát trong khoảng thời gian từ sáng đến chiều, vì lúc ấy, thanh quản chưa “mở”. Đó là lý do họ “chỉ có thể hát vào buổi tối”, như nhiều ca sĩ vẫn nói. Nghe có vẻ hợp lý nhưng những người trong giới khẳng định, đã là ca sĩ chuyên nghiệp, phải hát được bất cứ lúc nào. Đâu có ca sĩ chuyên nghiệp nào trên thế giới từ chối hát buổi sáng hay chỉ có thể hát được vào buổi tối như ở Việt Nam!
Thực tế cho thấy Thu Minh, Hồng Nhung, Thanh Thúy, Thanh Bùi, Đức Tuấn, Quang Dũng... vẫn xuất hiện trong những chương trình ghi hình lúc sáng sớm. “Ca hát cũng chỉ là một công việc nên cũng sẽ phải phục vụ bất cứ thời gian nào khi có yêu cầu” - ca sĩ Hồng Nhung cho biết. Nhìn khắp thị trường nhạc Việt, số ca sĩ “hát được mọi thời điểm trong ngày” rõ ràng không nhiều. Có ca sĩ khá nổi tiếng trong ngày ra mắt album của mình mà không thể hát được vì lý do “chưa mở giọng”.
Điều thường gặp nhất ở giới ca sĩ là họ luôn cho rằng mình không thể hát hay, thậm chí hát live (hát giọng thật) khi tiết mục biểu diễn có thêm phần vũ đạo. Nhiều ca sĩ phân trần “vũ đạo quá mệt nên khó để hát thật” nhưng theo ca sĩ Đức Tuấn “đã là ca sĩ chuyên nghiệp, phải hát hay; còn những thứ khác, công chúng không quan tâm”.
Với phần lớn ca sĩ hiện nay, việc “hát lúc nào cũng được, hát hay kể cả khi hát live lẫn khi kết hợp với vũ đạo là điều khó thực hiện. Bởi đến 90% giọng ca hiện nay đều không được đào tạo bài bản. Ý thức học tập chỉ dừng lại ở mức “học thì tốt mà chẳng học cũng không ảnh hưởng gì”. Vì vậy, số ca sĩ vừa làm nghề vừa chịu khó học luyện thanh chỉ đếm trên đầu ngón tay, đặc biệt là ca sĩ trẻ.
Trong giới ca sĩ trẻ hiện nay, công chúng không thể phân biệt được từng giọng ca nếu không nhìn. Họ giống nhau không chỉ chất giọng, cách xây dựng hình ảnh và phong cách âm nhạc... Đây là hệ quả của nhận thức bắt chước rập khuôn một hình mẫu đang thành công trên thị trường nhạc Việt, bất chấp có phù hợp với mình hay không. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá: “Trình độ cảm thụ âm nhạc là giúp ca sĩ hiểu thông điệp của một ca khúc nhưng phải xử lý ca khúc ấy bằng cảm xúc của người hát đó mới là ca sĩ chuyên nghiệp. Trong khi đó, nhiều ca sĩ Việt chỉ biết hát như thợ hát, hát như trả bài. Không phải họ không có cảm xúc nhưng họ không biết chuyển hóa thông điệp ca khúc thành cảm xúc qua trải nghiệm của cá nhân. Có thể gọi đó là cảm xúc ngẫu hứng của mỗi người nhưng chỉ có người được đào tạo mới biết áp dụng như thế nào”. |
Theo Nld.com.vn