Có cơ hội để đưa ngôi sao Việt vươn đến tầm quốc tế. Thế nhưng, việc ban tổ chức phải “vớt” mới đủ thí sinh đi huấn luyện tại Hàn Quốc đã cho thấy, Ngôi sao Việt cũng đang trong “thời khủng hoảng” tìm kiếm tài năng âm nhạc trước sự “nở rộ” các cuộc thi âm nhạc hiện nay tại Việt Nam.
Sau khi sang đến Hàn Quốc, thí sinh Ngôi sao Việt được tư vấn
thay đổi kiểu tóc, trang điểm giống ngôi sao Hàn?
“Nghèo” tài năng trở thành ngôi sao Việt!
Việc Ngôi sao Việt ngay từ khi ra mắt đã tuyên bố sẽ hướng đến việc đào tạo theo hướng đường dài đã hứa hẹn sẽ là một “nốt sáng” thể hiện quyết tâm của ban tổ chức trong việc phát triển nền âm nhạc nước nhà. Ban tổ chức (Đài Truyền hình Việt Nam và đối tác Hàn Quốc) đã phát đi thông cáo báo chí nêu rõ quan điểm sẽ không như các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc hiện nay, chỉ dừng lại ở phạm vi một cuộc thi, mà thí sinh sau khi đăng quang sẽ được đầu tư và “nâng bước” trên con đường trở thành một ngôi sao nhạc Việt thực thụ và hướng đến tầm cỡ quốc tế.
Có giải thưởng “khủng” nhất từ trước đến nay (tổng trị giá cho ngôi vị quán quân lên tới 7,5 tỉ đồng, bao gồm chi phí đào tạo tại Hàn Quốc, sản xuất album, MV, ra mắt chính thức với tư cách ca sĩ chuyên nghiệp) cùng những định hướng để phát triển tài năng thí sinh sau cuộc thi, chương trình đã nhanh chóng “hút” sự quan tâm của dư luận. Vì thực tế đang cho thấy, công chúng vẫn mỏi mắt tìm kiếm những tài năng âm nhạc thực thụ, có đóng góp phát triển nền âm nhạc nước nhà sau khi bước ra từ các cuộc thi trên truyền hình.
Minh Anh và Thảo Linh hát sai và quên lời bài hát nhưng vẫn được "vớt".
Tuy nhiên, kết thúc vòng tuyển chọn, nếu không nhờ sự “cứu vớt” của các giám khảo, có lẽ chương trình sẽ không đủ thí sinh đi đào tạo ở Hàn Quốc như dự kiến. Và đã không ít lần, giám khảo Phương Thanh đã phải ngán ngẩm, yêu cầu các thí sinh phải hát được cả tiếng Việt, chứ không nên thiên quá theo phong cách và nhạc Hàn.
Đặc biệt, từ khi lên sóng, những tài năng Ngôi sao Việt tìm kiếm được không để lại nhiều ấn tượng, những cụm từ được dư luận nhắc đến về chương trình là “Ngôi sao Việt chọn toàn trai xinh, gái đẹp đi Hàn Quốc”, “hát dở nhưng vẫn được chọn vì ngoại hình đẹp”, “hát sai lời, biểu diễn thiếu chuyên nghiệp những vẫn được giám khảo vớt”…
Một thí sinh được xem là tiềm năng, hotboy của Ngôi sao Việt, sở hữu chất giọng trầm ấm dễ gây thiện cảm và đặc biệt có khả năng trở thành thần tượng của khán giả trẻ là Thanh Tùng đã sớm bị loại khi vừa đặt chân sang Hàn Quốc vì biểu diễn thiếu tính chuyên nghiệp.
Những thí sinh còn lại, ngay từ những buổi tập đầu tiên với các chuyên gia Hàn Quốc đã lộ ra nhiều điểm yếu, nếu muốn trở thành ngôi sao Việt thực thụ chắc chắn phải tôi luyện trong thời gian dài, chứ chưa nói đến tầm cỡ quốc tế.
Hơn hết, điều công chúng lo ngại nhất là Ngôi sao Việt có tìm được tài năng thật sự, khi các chương trình khác cũng đang khó khăn trong việc “săn lùng” các giọng hát được cho là tài năng trên toàn quốc. Trong khi mỗi năm có hàng chục cuộc thi âm nhạc “càn quét”, chương trình này chưa xong, chương trình khác đã chực chờ lên sóng thì liệu có đủ tài năng để cung ứng kịp?
“Ngôi sao Việt” nhưng có xu hướng bị “Hàn hóa”!
Những năm trở lại đây, các cuộc thi, chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc ngày càng bùng nổ về lượng, nhưng lại được cho là nghèo nàn về chất. Nhiều chương trình chỉ dừng lại ở phạm vi cuộc thi, tức sau khi tìm kiếm được tài năng, trao giải thưởng là ban tổ chức cũng hết trách nhiệm, việc cá nhân có đứng nổi trong thị trường nhạc Việt đa màu sắc hiện nay hay không thì phụ thuộc vào tài năng và khả năng tạo “chiêu trò” của thí sinh đó.
Điều này mới dẫn đến sau khi Ya Suy đăng quang Vietnam Idol 2012 thì tiếp tục về quê “chăn lợn, vác cuốc lên rẫy”, đến khi bị dư luận khui ra thì cả ban tổ chức, thí sinh và công chúng đều xót xa, bẽ bàng.
Hay chuyện Thảo My sau khi chiến thắng ở Giọng hát Việt 2013 cũng “lặn mất tăm”, gần như không có hoạt động âm nhạc nào nổi bật, khiến công chúng đang cho rằng nhà sản xuất chỉ cốt kiếm tiền, còn ban tổ chức cũng “đem con bỏ chợ”, phó mặc cho đơn vị sản xuất.
Nhiều người chưa kịp vui mừng vì ban tổ chức Ngôi sao Việt "hứa" sẽ thoát được điều này, với việc hứa hẹn sẽ đào tạo thí sinh trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, đã phải lo lắng trước hướng đào tạo làm mất dần bản chất và màu sắc âm nhạc dân tộc, quá thiên lệch yếu tố nước ngoài.
Thí sinh được thay đổi kiểu tóc và trang phục theo phong cách K-pop.
Ngay từ những tập phát sóng đầu tiên, nhiều thí sinh không chỉ chọn hát tiếng Anh mà hát cả bằng tiếng Hàn, kèm theo những màn vũ đạo bốc lửa chẳng khác gì bản sao các ngôi sao Hàn trên sân khấu. Nếu không nghe các thí sinh nói tiếng Việt, thì chẳng ai có thể phân biệt được là người Hàn hay người Việt.
Nhìn vào top 15, trừ thí sinh Y K’rok với chất giọng thô khàn đậm chất Tây Nguyên, Kim Cương mặc trang phục dân tộc, thì các thí sinh còn lại đều được trao vé vì tạo dựng được phong cách “K-pop”, hoặc tiềm ẩn văn hóa, màu sắc âm nhạc của xứ sở kim chi.
Chương trình mang tên là “Ngôi sao Việt” nhưng các thí sinh lại được đào tạo thành những ca sĩ mang nặng màu sắc K-pop của Hàn Quốc. Nhiều người lo lắng rằng, Ngôi sao Việt sẽ bị “Hàn hóa”, mà thiếu vắng màu sắc của nhạc Việt và điều này sẽ khiến Ngôi sao Việt tiếp tục mất điểm, “lép vế” trước các cuộc thi âm nhạc khác trên truyền hình.
Theo Lao Động