Ca sỹ Mỹ Lệ: “Khoe hàng còn vui thì đạo có là gì”
Với tình hình một ngày một nhạc sỹ có thể viết được một tá bài hát, một tháng các ca sỹ có thể ra được hàng trăm album như hiện nay thì chuyện đạo là đương nhiên thôi.
Một sản phẩm âm nhạc là đứa con tinh thần của người nghệ sỹ, phải được thai nghén trong một thời gian dài thì mới có chất lượng. Muốn như vậy thì phải tư duy, động não, vắt óc rất lâu, mắc chi cực vậy, chế biến những cái sẵn có có phải nhanh hơn không?
Tư duy ăn xổi ở thì, làm mọi cách để mau nổi tiếng chính là yếu tố đầu tiên giết chết sự sáng tạo nơi người nghệ sỹ trẻ hiện nay. Không phải họ không làm được cái mới, không sáng tạo được mà tôi nói hơi nặng nhưng đúng, đó là đạo đức xã hội đang xuống cấp quá rồi.
Từ đầu năm đến nay showbiz Việt có bao nhiêu là scandal, trong đó không ít do chính họ tạo ra. Họ không còn cắn rứt lương tâm, không cảm thấy đau đớn hay xấu hổ với những sự cố ấy nữa mà thản nhiên đón nhận, thậm chí còn vui vẻ, sung sướng vì mình được nổi tiếng hơn.
Ca sỹ Mỹ Lệ cho rằng tình trạng ăn xổi ở thì và đạo đức xuống cấp
chính là điều khiến nhạc đạo thịnh hành và hoành hành
như hiện nay
Ngày xưa, nghệ sỹ mà dính một phốt nào đó thì phải trốn, bỏ nghề và mất hết hình ảnh. Còn bây giờ thì còn lâu à. Lộ hàng, lộ clip sex mà họ còn thấy vui nữa thì chuyện đạo có nhằm nhò gì đâu.
Bản thân những người hoạt động nghệ thuật nghiêm túc cùng thời với chúng tôi, những người có tự trọng với bản thân mình sẽ không bao giờ copy của người khác.
Có thể một số người sẽ nói có cầu thì có cung, khán giả trẻ bây giờ thích phong cách Hàn Quốc nhưng họ thích thể loại đó, phong cách đó chứ họ đâu có mong muốn nghệ sỹ của mình đi lấy của Hàn Quốc. Học hỏi là điều đương nhiên nhưng điều đó không có nghĩa là cứ sao chép nguyên xi”.
Nhạc sỹ Hoài Sa: “Nổi tiếng nhờ scandal chỉ là ảo”
"Chuyện đạo của nước ngoài là do ca sỹ quá đông. Những người nghệ sỹ đích thật hoạt động nghệ thuật chân chính bị đánh đồng oan ức. Bây giờ làm ca sỹ dễ quá. Các bạn trẻ có chút nhan sắc hoặc đi nâng cấp nhan sắc một chút rồi đặt giá cao cho nhạc sỹ sáng tác vậy là hát, là thành ca sỹ, rất tiếc là lớp ca sỹ này lại quá nhiều.
Khi cung không đủ cầu thì chuyện sao chép là điều tất nhiên thôi. Họ nghĩ nếu mình không đạo nhạc thì người khác cũng đạo thôi, người khác đạo mắc gì mình không đạo. Tôi nghĩ có lẽ hơi cực đoan là phải cấp thẻ cho ca sỹ.
Đừng nói là do thị hiếu của khán giả mà tôi phải đạo nhạc. Thị hiếu là do mình tạo ra, người nghệ sỹ phải là người định hướng khán giả chứ. Tôi biết rất nhiều trong số họ thừa hiểu là làm sản phẩm đó sẽ bị chỉ trích là đạo nhạc vì không lý gì một bản nhạc nổi tiếng như thế, một band nhạc nổi tiếng như thế mà khán giả không phát hiện được. Nhưng kệ, miễn họ được khán giả, báo chí nhắc tới, sản phẩm của họ được người ta tò mò xem còn hơn là chả ai thèm chú ý tới.
Với nhạc sỹ Hoài Sa thì việc các bạn trẻ không thèm sáng tạo
và thích nổi tiếng nhanh là nguyên nhân chính
dẫn đến sự đạo nhạc tràn lan
Chúng ta tưởng là mình đang chê bai, chửi bới họ nhưng kỳ thực là chúng ta đang giúp họ được biết đến nhiều hơn. Điều một người làm nghệ thuật sợ nhất là không ai nhắc đến mình, lãng quên mình. Không cần biết khen hay chê miễn cứ được nhắc đến, bị chửi kệ miễn có người xem là hơn không ai thèm xem.
Tôi biết có một số cô cứ hai ba ngày mà báo chí không đề cập gì đến là lo sốt vó và tự động kiếm scandal để bắt người ta phải tò mò về mình. Tôi không cho đó là tai nạn bất thình lình mà đó là tai nạn do chính họ dàn dựng ra. Tất nhiên cũng có một vài người thành công từ đó nhưng chỉ là những trường hợp cá biệt. Trong 100 người chắc chỉ một hai người nổi tiếng thật sự mà thôi.
Tôi không nói là lớp trẻ bây giờ họ không sáng tạo mà vấn đề là họ không thèm quan tâm đến sáng tạo. Một trong những lý do khiến họ lười biếng tư duy như vậy là bởi thứ gì cũng có sẵn cả rồi. Thời của chúng tôi làm việc là phải vào phòng thu, tuy hơi cực nhưng nó kích thích sự sáng tạo lắm còn bây giờ các bạn chỉ cần lên mạng, copy phần mềm âm nhạc về, cứ dựa vào đó mà sáng tác hết bài này đến bài khác. Xuất phát từ một cái lõi chung thì việc các bài hát bây giờ cứ na ná nhau là chuyện đương nhiên.
Bây giờ làm ca sỹ, nhạc sỹ dễ quá. Cứ xấu thì đi đại tu nhan sắc, copy chỗ này copy chỗ khác xào nấu một chút là ra bài của mình, còn không có ý tưởng làm MV hay album thì cứ lấy của nước ngoài, thế là xong. Nhưng đó chỉ là thành công ảo ở bề nổi mà thôi. Thực tế là họ không kiếm được tiền đâu.
Liệu đây có phải là một tai nạn được dàn dựng để câu khách?
Đẳng cấp hay không phải nhìn một đêm phòng trà bạn lôi được bao nhiêu khách đến kìa. Tôi biết một ca sỹ chuyên scandal giới tính làm một show ở một phòng trà, đố bạn có bao nhiêu khách? Hai thôi, mà mỗi người ôm một con gấu bông to tướng thì chắc là người nhà rồi.
Nhiều cô cậu ca sỹ còn phát cho fan mỗi người 50.000 đồng đến cổ vũ để chứng tỏ ta đây nổi tiếng lắm nhưng thật ra thì đó chỉ là nổi lềnh bềnh mà thôi. Bong bóng thì một ngày nào đó cũng nổ tung thôi, mặc họ đi.
Nhưng tác hại lớn nhất mà họ để lại chính là họ đã kéo giá trị nghệ thuật đi xuống thấp. Sự thành công bề nổi của họ khiến cho fan tưởng rằng làm ca sỹ thích lắm và dễ quá mà nên bây giờ tuổi teen đứa nào cũng đổ xô vào showbiz. Ca sỹ, nhạc sỹ tự phát ngày càng đông thì tình trạng đạo nhạc, đạo clip là điều khó tránh khỏi”.
Ca sỹ Đức Tuấn: “Tôi không cổ xúy nhưng tôi hiểu họ"
Theo tôi thì việc ý tưởng giống nhau là chuyện đương nhiên. Tôi hoàn toàn không cổ súy cho việc ăn cắp thế nhưng có những cái mình buộc phải học hỏi vì ở nước ngoài họ làm đã quá hay rồi.
Bản chất teen pop, R&P, Jazz đều du nhập từ nước ngoài nên khi hát những thể loại này thì mình đã hát nhạc của người ta rồi. Đặc biệt các loại hình nghệ thuật đương đại lại càng phải học hỏi nhiều hơn.
Tôi nghĩ các bạn copy lại nhạc của Hàn Quốc mà báo chí nói rầm rộ trong thời gian gần đây một phần cũng xuất phát từ việc các bạn trẻ thấy nhạc Hàn hay quá rồi nên phải thể hiện làm sao cho giống thì sẽ ăn khách.
Nhưng vấn đề là bạn mượn ở mức độ nào, bạn mượn ý tưởng của người ta mà trung thực công khai và sáng tạo ra cái của riêng mình thì độc đáo quá chứ. Còn bê nguyên xi, sao chép hoàn toàn ý tưởng của người khác là điều không thể chấp nhận được.
Ca sỹ Đức Tuấn không đồng tình nhưng hiểu vì sao giới trẻ bây giờ
hay đạo nhạc
Làm nghệ thuật khó lắm, nghệ thuật cần sự động não, sáng tạo không ngừng, một ngày bạn ngưng sáng tạo hay đuối hơi thì lập tức sẽ có người khác thay thế. Tâm lý ảnh hưởng rất nhiều đến người làm nghệ thuật, chỉ cần một phút thiếu sáng suốt hay không sáng tạo được mà cái án đào thải nó treo lơ lửng phía trước, nhiều người không vững tâm lý sẽ rất dễ đánh mất chính mình. Tôi không khen ai đạo nhạc nhưng tôi hiểu vì sao họ làm như vậy.
Nhiều người cho rằng âm nhạc của giới trẻ bây giờ là những thứ rác rưởi, vớ vẩn nhưng với tôi âm nhạc nào cũng là âm nhạc. Bạn hát mà tìm được vài người đồng cảm với mình như vậy đã là hạnh phúc rồi. Có thể ngày xưa bạn cho rằng nói đến chuyện tình yêu là phải ẩn ý, mượn gió nói mây nhưng tuổi trẻ bây giờ họ không cho thế là hay thì sao. Nghệ thuật đôi khi rất trừu tượng, không thể áp đặt giới trẻ phải nghe cái này nghe cái kia được.
Áp lực của sự đào thải cũng sẽ làm ai yếu bóng vía đánh mất chính mình
Bất cứ sự nổi tiếng nào cũng do người ta tự lựa chọn. Nếu lựa chọn của họ không phù hợp với thị hiếu của khán giả thì tự bản thân họ sẽ bị đào thải thôi. Còn nếu họ lựa chọn nổi tiếng bằng con đường đạo nhạc như thế mà bài nào đạo bài đó trở thành hit, khán giả vẫn chấp nhận họ, vẫn tìm đến xem họ thì biết làm sao. Không có khán giả thử hỏi họ có tự mình nổi tiếng được không?
Và bất cứ sự lựa chọn nào cũng có cái giá của nó. Họ sẽ trả giá cho những việc họ làm. Không cần đến hình phạt hay việc kiện tụng, không đến lượt mọi người ném đá họ chỉ riêng lương tâm mình tự vấn là họ đã đủ khiến họ phải đau khổ rồi. Tôi không kêu gọi những bạn trẻ đừng bước chân tự thấy mình không có đủ năng lực đừng vào showbiz vì chỉ khi nhúng tay vào bạn mới biết mình làm được hay không, không cớ gì phải tự chặt mất ước mơ của mình. Nhưng tôi chỉ mong khi đã xác định làm nghệ thuật, bạn hãy làm bằng cái tâm, bằng tất cả tấm lòng mình.
24h