Nhạc dance xuất hiện trên thế giới vào khoảng thập niên 70 – 80 thế kỷ trước tại các vũ trường, hộp đêm. Đây là thể loại nhạc giàu tiết tấu với phần âm trầm (bass) mạnh và liên tục. Ở Việt Nam, các ca khúc quốc tế như Lambada, Coco Jamboo, Macarena hay Sha La La từng len lỏi khắp các vũ trường trong những năm 1980 – 1990. Đến nửa đầu những năm 2000 là sự lên ngôi của các ca khúc Boom Boom Boom Boom, Dragostea Din Tei, Walking in The Sun...
Các ca khúc nhạc dance BoneyM từng được nhiều khán giả Việt Nam yêu thích.
Tuy nhiên, phải mất gần nửa thập kỷ sau đó, nhạc dance mới được các nghệ sĩ Việt hưởng ứng và phát triển. Cùng điểm lại những tên tuổi đi tiên phong trong việc phổ biến dòng nhạc này tại thị trường Vpop.
Võ Thiện Thanh
Vừa là nhà sản xuất âm nhạc, vừa là nhạc sĩ chuyên nghiệp, Võ Thiện Thanh được biết đến như một nhân vật biến hóa đa dạng trong nhiều thể loại, từ hiện thực, lãng mạn cho đến hiện đại và cũng rất độc đáo trong các phong cách như rock, R&B, acoustic, chill-out, hòa tấu… Tuy nhiên, sau hơn 10 năm hoạt động, Võ Thiện Thanh ghi dấu ấn hơn cả trong thể loại nhạc dance và được coi là một trong số những người có công lớn trong việc phát triển dòng nhạc này tại Việt Nam.
Với dance, Võ Thiện Thanh đã tạo được một cú hích ấn tượng cho nhạc Việt, cũng
đồng thời tạo nên mốc son trong sự nghiệp của chính mình.
Vốn là người ham mê tiết tấu, ngay từ những ngày mới bước vào nghề, Võ Thiện Thanh đã có sự yêu thích với dance, đặc biệt là nhóm nhạc BoneyM, sau đó là Madonna. Võ Thiện Thanh hướng đến loại nhạc dance vừa có thể thưởng thức trong không gian (vũ trường) vừa có thể nghe (CD) bình thường. Đĩa nhạc Thiên đàng (2006) do anh sản xuất được coi là album nhạc dance hoàn chỉnh và thành công đầu tiên của Vpop, cũng đồng thời đưa tên tuổi Thu Minh trở thành Nữ hoàng nhạc dance. Âm nhạc trong Thiên đàng thiên về house và ambient dance có tiết tấu hơi chậm nhưng rất bắt tai.
Ngay sau khi ra mắt, album đã trở thành một hiện tượng trong thị trường âm nhạc với nhiều ca khúc hit như Chuông gió, Bóng mây qua thềm, Xích lô.... Tại đêm trao giải Bài hát Việt 2006, Chuông gió được hội đồng nghệ thuật của chương trình trao giải thưởng Bài hát của tháng và Bài hát của năm. Trong lễ trao giải chương trình Album Vàng 2007, album được hội đồng nghệ thuật chọn là album hoà âm tốt của năm. Cùng với Thiên đàng, Võ Thiện Thanh được nhận hai danh hiệu Nhạc sĩ của năm (Giải thưởng âm nhạc Cống hiến).
Nguyễn Hải Phong
Sau Võ Thiện Thanh, Nguyễn Hải Phong được coi là “người thừa kế” sáng giá ở dòng nhạc dance. Cũng giống như tiền bối, Nguyễn Hải Phong hoạt động đa dạng ở nhiều thể loại từ pop, rock, R&B và đã có nhiều sản phẩm thành công trước đó. Nhưng phải đến năm 2008, khi bắt tay cùng Thu Minh thực hiện đĩa Body Language, anh mới thực sự khẳng định được tài năng của mình ở cả hai vai trò là nhà sản xuất và nhạc sĩ.
Nguyễn Hải Phong giúp Thu Minh tự vượt qua được đỉnh cao của chính mình để xác lập
một kỷ lục mới – một đĩa nhạc thành công vang dội với hầu hết ca khúc
đều trở thành hit được yêu thích cho đến tận ngày nay.
Body Language gồm 8 ca khúc mới, trong đó hầu hết là các sáng tác của Nguyễn Hải Phong. Album là tổng thể dance hoàn chỉnh xuyên suốt cả về mặt ý tưởng nội dung. Khác với Thiên đàng – chất dance trong Body Language bình dân và được pha trộn chất pop nhiều hơn. Nguyễn Hải Phong chú trọng vào tiết tấu phức tạp, hòa âm xen lẫn cổ diển và điện tử cộng thêm đề tài nghiêng về xã hội nên album đã mang đến hơi thở “lạ” về dance so với tưởng tượng của người nghe. Hiện nay, Nguyễn Hải Phong cùng công ty của mình là NHP Entertainment sản xuất âm nhạc với quy trình khép kín bao gồm cả sáng tác, hòa âm phối khí, đào tạo ca sĩ, thu âm, phát hành băng đĩa. Với slogan “âm nhạc lột xác”, Nguyễn Hải Phong hy vọng có thể đem đến hơi thở mới mẻ cho thị trường âm nhạc Việt Nam. Sau Body Languae, anh cũng có nhiều sản phẩm nhạc dance thành công khác như Thức Tỉnh - Wake Up (Hồ Ngọc Hà), Đừng vội vàng (Hoàng Thùy Linh)…
Thu Minh
Dance không phải là lối thoát cho những ca sĩ hạng 2 với “phần nhìn hơn phần nghe”. Thể lọai này đòi hỏi ca sĩ phải có kỹ năng xử lý cao, khả năng cảm nhận tiết tấu tốt. Với dòng mbient dance , ca sĩ giọng thường thường bậc trung khó lòng theo nổi.
Năm 2003, Ngô Thanh Vân từng cho ra mắt album đầu tay mang phong cách dance có tên gọi NTV virus. Kỹ xảo và công nghệ mới đã gánh bớt phần nào cho chất giọng còn yếu ớt nhưng điều đó cũng không đủ để đưa tên tuổi của cô đi xa hơn trong dòng nhạc này. Khác với Ngô Thanh Vân, Thu Minh đã đến với dance như một mối duyên trời định. Nói vậy bởi trước đó, cô từng được giải thưởng cao, chất giọng tốt, ngoại hình ưa nhìn, vũ đạo điêu luyện (vì từng học trường múa) nhưng vẫn chỉ dừng lại ở các tụ điểm, quán bar nhỏ. Đến giai đoạn 2005 – 2008, Thu Minh đột ngột có những sự thay đổi táo bạo và phong cách của cô được định hình rõ rệt đậm chất nhạc dance hơn cả.
Thiên đàng, Body Language là hai sản phẩm nổi bật nhất trong suốt sự nghiệp của Thu Minh đến thời điểm này. Hóa thân trong dòng nhạc dance, phong cách và giọng hát của Thu Minh trở nên quyến rũ, gợi cảm và mạnh mẽ hơn với khẳng định "Sexy là thương hiệu của tôi". Với độ dạn dày trong kinh nghiệm và giọng hát soprano C đầy nội lực, cô thực sự là người đi tiên phong cho một phong cách nhạc dance chuyên nghiệp qua lối hát mạnh mẽ, kỹ thuật và đầy cảm xúc thăng hoa. Sau thành công của album Thiên đàng, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh từng chia sẻ: “Một producer sản xuất cho ca sĩ nào đó thì phải chọn cho ca sĩ đó một dòng nhạc thích hợp. Tố chất của Thu Minh khiến tôi chọn nhạc dance để thực hiện cho album của cô, hoàn toàn không phải chọn theo xu hướng hay phong trào”.
Ngày nay, nhạc dance đã phát triển mạnh mẽ hơn trong thị trường nhạc Việt. Nhiều tên tuổi hot như Đông Nhi, Mỹ Tâm, Thủy Tiên, Hà Hồ... đều đã thử sức và có được nhiều phản hồi tốt khi thử sức ở lãnh địa này. Tuy nhiên, để có thể thực sự thành công ở dòng nhạc này không phải là điều dễ dàng nên có thể nói, đỉnh cao mà bộ ba Võ Thiện Thanh - Thu Minh - Nguyễn Hải Phong để lại vẫn còn là một thử thách lớn với các nghệ sĩ đi sau.
Theo Tri Thức