Lựa chọn cảm tính hay cuộc chơi không công bằng?
Là cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc hot nhất trong năm nay, The Voice “thẳng băng” trên cuộc chiến rating (tỉ suất người xem). Ngay từ những đêm thi đầu tiên, chương trình khiến khán giả “sửng sốt" không chỉ bởi những giọng ca đẹp mà còn ở sự “tỉ mẩn” trong việc “cắt ghép” làm sao cho chương trình hay và thu hút nhất có thể.
Có vẻ như BTC The Voice đã “giấu mặt” khá kĩ trong vòng giấu mặt. Nhưng đến những tập đối đầu, "bộ mặt thật" của một chương trình truyền hình thực tế đã thực sự lộ ra. Những quyết định được xem là cảm tính, đôi khi hơi bất ngờ của HLV khiến khán giả bắt đầu cảm thấy “khó chịu”. Nguyên nhân không phải vì thí sinh họ yêu thích bị loại mà bởi đa số đều có cảm giác chương trình đang chưa có sự công bằng.
HLV chọn “người kiếm được tiền” chứ không phải là người có tố chất “giọng hát Việt”. Với việc lựa chọn Bảo Anh hay Bùi Anh Tuấn (trong tập 1 vòng đối đầu) hay Thái Trinh (ở tập 2) vào vòng trong có lẽ không nằm ngoài dự đoán của khán giả bởi báo chí và dư luận đang “chăm sóc” hai thí sinh này khá kĩ. Cộng đồng mạng sục sôi không hiểu lý do vì sao mà các HLV lại chọn “hoàng tử - công chúa” mà không phải là các “đối thủ” khi họ thể hiện thành công hơn.
Thái Trinh cũng là một cái tên hot và cần được giữ lại để "câu ratting" cho chương trình?
Thực tế, khả năng của Bảo Anh hay Bùi Anh Tuấn không hề thua kém so với đối thủ của họ, hoặc do HLV chọn bài khó và không phù hợp nên dễ cảm thấy bị “xuống sức”. Nhưng lý do lớn nhất, họ là hai thỏi “nam châm” hút fan, nếu để họ rời khỏi cuộc thi quá sớm, The Voice sẽ mất đi một lượng khán giả bình chọn… Điều đó đồng nghĩa với việc nguồn thu đáng kể từ tổng đài tin nhắn bình chọn sẽ bị suy giảm.
Như vậy, liệu lựa chọn của HLV là cảm tính hay tại The Voice là “cuộc chơi” không công bằng cho những thí sinh có tài nhưng kém may?
Câu hỏi này nhắc chúng ta nhớ đến câu trả lời của MC Phan Anh với chúng tôi trong một cuộc phỏng vấn khi cuộc thi mới bắt đầu: “Tôi không biết hát, lại chẳng có kinh nghiệm thi cử, bảo khuyên thì thật là sáo rỗng. Tôi chỉ muốn chia sẻ rằng: Có nhiều sự thật ở đằng sau mỗi cuộc chơi! Khi đã tham gia một cuộc chơi hãy hiểu không phải sự thật nào cũng cần phải sáng tỏ. Chính vì vậy, đừng cố công và phí thời giờ để đi tìm sự thật của những lời đồn đoán”.
Đôi khi chúng ta nên chấp nhận những câu hỏi không có lời giải đáp bởi điều đó nằm trong chính luật chơi.
Cái gì đang nuôi sống The Voice?
Nếu như những tập đầu tiên, với những tài năng và cá tính âm nhạc mà The Voice tìm kiếm được mang lại cho chương trình sức sống thì ngay sau đó, điều nuôi sống chương trình chính là khán giả mà đặc biệt là scandal.
Nếu như từ đầu, The Voice không hề vướng phải một scandal nào thì hiện nay, bên những luồng thông tin tích cực, thường xuyên có những scandal “rất đúng lúc” để tạo sóng dư luận, giữ cho chương trình luôn được “hot” nhất có thể.
Sự kiện thí sinh Mai Khánh Linh được giữ lại “cuộc chơi” The Voice sau khi vi phạm quy chế khiến cho nhiều người vốn không để ý đến chương trình cũng phải “giật mình” với cách phá quy chế cuộc thi của BTC. Rồi những phát ngôn của 4 vị huấn luyện viên dù là trong cuộc thi hay ngoài đời đều được đem ra “mổ xẻ”. Những phát ngôn của các thí sinh trước và sau mỗi phần một cách chính thức trên báo chí hay không chính thức (trên trang cá nhân) cũng tạo lực hút không nhỏ với khán giả ngày một nhạy cảm.
Dù phạm luật, Mai Khánh Linh vẫn tiếp tục đi tiếp
Sau hai tuần “cắt sóng” vì những lý do khác nhau, tập đầu tiên của vòng đối đầu thu hút nhiều khán giả không phải từ chính cuộc thi mà từ một phát ngôn của Diva làng nhạc Việt. Hẳn sự việc này nằm ngoài kịch bản của BTC nhưng chính những “lời qua tiếng lại” theo cách vừa chính thức vừa không chính thức đã làm chương trình thu hút đông khán giả hơn. Ngay cả việc HLV quyết định lựa chọn ai trong số những thí sinh tham gia vòng đối đầu được vào vòng liveshow cũng gây nhiều tranh cãi bởi việc lựa chọn đang thiên về cảm tính và không thực sự công bằng.
Chúng ta mong gì ở The Voice?
Sau hai tập đầu tiên của vòng đối đầu được phát sóng, cư dân mạng đều có những ý kiến bình luận hêt sức sôi nổi. Người khen, kẻ chê đều có đủ nhưng đều có chung một câu hỏi: “Chúng ta mong đợi gì ở the Voice?”: Một thí sinh mang tố chất “giọng hát Việt” như tiêu chí của cuộc thi. Điều này cũng có thể nhưng chắc chắn người thắng cuộc chưa phải là người “giỏi nhất”. Nhiều cư dân mạng đã thẳng thắn chia sẻ, nên thay đổi tên cuộc thi thành “gương mặt Việt thì hơn. Ai đẹp trai, xinh gái đều được vào hết”.
Chưa kể “những hạt giống” của cuộc thi The Voice năm nay đều nằm top an toàn bởi lượng fan hùng hậu từ vòng đầu tiên và đây là “cần câu cơm” của BTC. Thái Trinh được HLV Hồ Ngọc Hà lựa chọn đi tiếp vào vòng trong sau tập 2 của vòng đối đầu lại thêm khẳng định điều đó. Có vẻ như kết quả không hề khó đoán như khán giả nghĩ?!
Rõ ràng, mỗi khán giả quan tâm đều có câu trả lời cho riêng mình. Chỉ có điều chúng ta luôn nhớ, The Voice là một chương trình thực tế được mua bản quyền từ nước ngoài nên BTC không bao giờ chịu lỗ khi bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ để có thể đưa chương trình về với Việt Nam.
Liệu khán giả Việt có mong đợi một quán quân có tố chất “giọng hát Việt” như tiêu chí của cuộc thi đã công bố để rồi lại ngậm ngùi tiếc nuối khi kết quả cuối cùng được công bố?
Tiin.vn