Theo một số tài liệu, làng Yên Quyết (làng Cót) là một ngôi làng cổ hình thành từ thời nhà Lý. Đến thế kỷ XIII, nghề giấy du nhập khiến nửa trên của làng chuyển sang làm giấy, gọi là Thượng Yên Quyết, nửa dưới chuyên làm vàng mã, được gọi là Hạ Yên Quyết.
Ngoài ra, phía Bắc làng Thượng Yên Quyết còn có làng Dịch Vọng Tiền cũng nổi tiếng với nghề làm giấy. Chính vì vậy, cây cầu nằm ở gần vùng giáp ranh giữa hai làng Thượng Yên Quyết và Tiền Dịch Vọng mới được gọi là Cầu Giấy. Đó cũng là nguồn gốc tên gọi của quận Cầu Giấy, Hà Nội ngày nay.
Hình ảnh Cầu Giấy xưa
Cầu Giấy bắc qua sông Tô Lịch, một con sông nhỏ chảy trong địa phận Hà Nội. Dòng chính của sông chảy qua các quận, huyện gồm: Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàng Mai, Thanh Trì.
Sách Đại Nam nhất thống chí thời nhà Nguyễn viết về sông Tô Lịch như sau: “Sông ở phía Đông Hà Nội, là phân lưu của sông Nhị, chảy theo phía Bắc tỉnh vào cửa cống thôn Hương Bài, tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương, chuyển sang phía Tây huyện Vĩnh Thuận đến xã Nghĩa Đô ở phía Đông huyện Từ Liêm và các tổng thuộc huyện Thanh Trì, quanh co gần 60 dặm, tới xã Hà Liễu (nay là xã Khánh Hà, huyện Thường tín), rồi chảy và sông Nhuệ”.
Quận Cầu Giấy được hình thành theo Nghị định 74/CP ngày 22/11/1996 của Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/9/1997, khi đó gồm 4 thị trấn: Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Mai Dịch, Cầu Giấy và 3 xã: Dịch Vọng, Yên Hòa, Trung Hòa được tách ra từ huyện Từ Liêm. Quận có diện tích khoảng trên 12km2, dân số khoảng 292.000 người.
Và quận Cầu Giấy ngày nay
Quận Cầu Giấy nằm phía Tây thành phố Hà Nội, giáp quận Ba Đình và Đống Đa ở phía Đông, ranh giới là sông Tô Lịch. Phía Tây giáp quận Nam Từ Liêm, phía Nam giáp Thanh Xuân và phía Bắc giáp quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm. Quận Cầu Giấy không nằm cạnh quận Hai Bà Trưng.
Hoàng Mai (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)