Loài thực vật này thuộc họ lan, thường được gọi là lan tai dê gân (hoặc nhẫn diệp gân, hắc lan…).
Ở Việt Nam, loài cây này mọc ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Lâm Đồng, Núi Dinh - Bà Rịa Vũng Tàu và phân bố rất rộng ở các miền nhiệt đới và á nhiệt đới khác. Chẳng hạn như ở Trung Quốc, loài lan này cũng xuất trong một số cánh rừng thuộc Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Giang Tây, Hồ Nam, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây… Tuy nhiên ở nước này, lan tai dê gân lại là một loài thực vật hoang dã tương đối quý hiếm.
Đặc biệt tại Trung Quốc, lan tai dê gân còn được biết đến với cái tên phổ biến là “kiến huyết thanh”. Cái tên này bắt nguồn từ việc lan tai dê gân có công dụng đặc biệt trong việc cầm máu. Chúng được người dân nơi đây coi là một cây thuốc quý hiếm với giá trị dược liệu cao.
Theo cuốn “Tổng hợp các loại thảo dược thường dùng trong dân gian” của Trung Quốc, toàn bộ cây có thể dùng làm thuốc. Lan tai dê gân có vị đắng và tính mát. Nó có tác dụng làm mát máu, cầm máu, thanh nhiệt, giải độc. Bên cạnh đó, bạn có thể dùng nó để hỗ trợ điều trị chứng nóng dạ dày, ho ra máu do nhiệt phổi… và các triệu chứng khác như băng huyết, chảy máu phẫu thuật, chảy máu do chấn thương, vết loét, vết rắn độc cắn, vết bầm tím…
Xưa kia ở Trung Quốc, nếu ai chẳng may bị trầy xước hay chảy máu khi đi rừng, họ sẽ lấy một nắm huyết thanh gần đó, vò nát và bôi lên vết thương. Máu sẽ ngừng chảy chỉ trong vòng vài phút, trong khoảng 1 ngày là có thể giảm sưng.
Chính nhờ công dụng tuyệt vời như vậy mà lan tai dê gân rất được ưa chuộng trên thị trường Trung Quốc. Vì vậy, loài thảo dược này được khai thác với số lượng rất lớn, dẫn đến việc lan tai dê gân hoang dã ngày càng ít đi. Ngoài ra, cũng có rất ít lan tai dê gân được trồng nhân tạo, khiến chúng trở thành thứ dược liệu hiếm có khó tìm. Giá lan tai dê gân tươi có giá khoảng 30 - 40 NDT (98.000 - 130.000đ)/kg, nếu phơi khô thì thành phẩm sẽ đắt hơn rất nhiều, có thể lên đến 200 NDT (653.000đ)/kg.
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)